Đóng góp quan trọng của lao động di cư

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), người di cư chiếm 4,7% lực lượng lao động và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc ILO Gilbert F.Houngbo nêu rõ, đây là lực lượng không thể thiếu trong việc giải quyết tình trạng thiếu lao động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Việc bảo đảm quyền lợi cho lao động di cư không chỉ là mệnh lệnh đạo đức, mà là nhu cầu thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: VIACHESLAV KAZANEVSKYI
Biếm họa: VIACHESLAV KAZANEVSKYI

Báo cáo ILO công bố hôm đầu tuần cho thấy, tính đến năm 2022, khoảng 167,7 triệu người di cư tham gia lực lượng lao động tại các nước trên thế giới. Trong đó, 102,7 triệu là nam giới và 64,9 triệu nữ giới. Con số này tăng hơn 30 triệu người so mức năm 2013. Báo cáo dựa trên dữ liệu về lực lượng lao động tại 189 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm 99% dân số thế giới vào thời điểm khảo sát.

Theo báo cáo, lao động di cư thường tập trung ở các nước có thu nhập cao, với 114,7 triệu người, chiếm 68,4% tổng lực lượng lao động; tiếp đến là các nước có thu nhập trung bình cao, 29,2 triệu người và chiếm 17,4%. Phần lớn người di cư trong lực lượng lao động là ở các khu vực Bắc, Nam và Tây Âu, khu vực Bắc Mỹ, một số nước Arab và làm việc trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là dịch vụ.

ILO đánh giá người di cư đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc đảm nhiệm những công việc thiết yếu ở nước sở tại và gửi lượng kiều hối quan trọng về quê hương. Phát biểu ý kiến khi công bố báo cáo, Giám đốc phụ trách vấn đề việc làm và bình đẳng thuộc ILO Sukti Dasgupta nhấn mạnh: “Người di cư đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia điểm đến và họ hỗ trợ các quốc gia quê nhà thông qua kiều hối và chuyển giao kỹ năng”.

Đánh giá của ILO được đưa ra trong bối cảnh có những ý kiến lo ngại về tỷ lệ người di cư tham gia lực lượng lao động gia tăng, nhiều nước hạn chế tiếp nhận, thậm chí “đóng cửa” với người nhập cư. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng cáo buộc lao động di cư “làm cạn kiệt nguồn lực kinh tế và lấy mất việc làm của người Mỹ bản địa”. Ông Trump tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người di cư không có giấy tờ.

Bác bỏ nhận định lao động di cư lấy đi việc làm của người bản xứ, ILO cho hay, người nhập cư thường làm công việc lương thấp hoặc công nhân theo mùa và họ bổ sung chứ không thay thế lực lượng lao động quốc gia. Giám đốc thống kê của ILO Rafael Diez de Medina nêu rõ: “Có thể có sự cạnh tranh, nhưng không có bằng chứng cho thấy người di cư lấy mất việc làm của lao động sở tại”.

ILO cũng chỉ rõ xu hướng mới trên thị trường lao động thế giới trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc và làm việc nhà gia tăng, đặc biệt đối với lao động nữ. Theo báo cáo, 68,4% số lao động di cư được tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có 28,8% số phụ nữ và 12,4% nam. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng của lao động sở tại chỉ là 19,2% và 6,2%.

Báo cáo ILO nêu bật nhu cầu cấp thiết có các chính sách cụ thể để hỗ trợ người di cư. Theo ILO, phần lớn những lao động này làm việc trong các ngành có nhu cầu cao, nên việc bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với các cơ hội việc làm và thúc đẩy thị trường lao động phát triển bền vững và toàn diện phải là ưu tiên hàng đầu. Những chính sách cần hướng tới cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm và tăng cường bảo vệ lao động di cư.

Nhấn mạnh về đóng góp quan trọng của lao động di cư, Giám đốc thống kê của ILO Rafael Diez de Medina cho rằng, chẳng những không tạo gánh nặng cho xã hội, lao động nhập cư còn là “lực lượng rất cần thiết” cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong một số lĩnh vực như dịch vụ, sản xuất và nông nghiệp. Vì thế, điều quan trọng là bảo đảm lao động di cư được tiếp cận với chế độ bảo vệ xã hội, theo luật lao động quốc gia và quốc tế.