Nhạc cổ bay xa trên “cánh số” (kỳ 2)

Kỳ 2: Để số hóa hiệu quả hơn
0:00 / 0:00
0:00
Buổi giao lưu của các học viên và người mộ điệu đờn ca tài tử được kết nối qua Facebook. Ảnh: NVCC
Buổi giao lưu của các học viên và người mộ điệu đờn ca tài tử được kết nối qua Facebook. Ảnh: NVCC

(Tiếp theo và hết)

Internet đang được coi như mảnh đất “màu mỡ’’ của các thể loại nhạc truyền thống. Tuy vậy, để nhạc cổ tiếp cận công chúng tốt hơn thì vẫn cần những định hướng và giải pháp hay.

Thay đổi để phù hợp

Ở Việt Nam, sự lan tỏa âm nhạc truyền thống là một cách để lưu giữ văn hóa, quảng bá nghệ thuật và đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Để có thể duy trì, phát triển, rất cần sự thấu hiểu, nhận thức đúng giá trị và ý nghĩa của âm nhạc dân tộc. Công chúng có thể sử dụng internet để chia sẻ niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Qua đó, các website, kênh truyền thông trên mạng xã hội về nhạc cổ sẽ được thu hút và lan tỏa hơn.

“Mình muốn giới thiệu cho bạn bè trên mạng xã hội biết mình là người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Do đó, mình chia sẻ hình ảnh, video về cải lương và các loại hình khác, giúp bạn bè cảm thấy thoải mái hơn và không thấy nhàm chán”, nghệ sĩ Nguyễn Như Ý, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ về mục đích sử dụng Facebook cá nhân để chia sẻ thông tin về âm nhạc dân tộc.

Thực tế cho thấy, nếu muốn nhạc cổ được phát triển tốt hơn, chính các nghệ nhân, nghệ sĩ và người yêu thích phải có sự thay đổi phù hợp. Việc họ chủ động đưa nhạc truyền thống lên các nền tảng internet cũng không nằm ngoài sự thay đổi đó. Các nghệ nhân, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và gần gũi với công chúng nhất. Họ cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhạc cổ thông qua việc chia sẻ video và hình ảnh biểu diễn, các buổi công diễn online, cập nhật các thông tin và sự kiện liên quan... Người yêu nhạc cổ cũng có thể dựa vào đó để lan tỏa những thông tin hữu ích đến hội nhóm, trang truyền thông trên internet. Mặt khác, những hoạt động này cũng cần có sự đầu tư, lên kế hoạch bài bản và định hướng phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số.

Và như vậy, các nghệ nhân, nghệ sĩ và người yêu mến, sưu tầm nhạc cổ phải không ngừng tìm tòi, học hỏi và đổi mới tư duy trong tổ chức biểu diễn một cách chuyên nghiệp và phù hợp hơn trong không gian số. Vì bản chất của nền tảng internet là sự nhanh nhạy và biến đổi linh hoạt theo thời gian. Điều này có thể được xúc tác bằng việc tăng cường tương tác qua mạng xã hội, cập nhật những bài viết, tác phẩm hấp dẫn...

Dù đã ngoài 70 tuổi và có hơn 60 năm hát quan họ, nghệ nhân Nguyễn Thị Lành ở làng Hoài Thị, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh vẫn luôn trau dồi và học hỏi cách hát qua internet. Bà cho hay: “Bây giờ làm gì cũng cần mạng hỗ trợ thì mới phổ biến rộng rãi được. Đưa quan họ lên mạng và được lan rộng, được cộng đồng biết đến càng nhiều, càng làm cho các nghệ nhân như tôi chăm chút cho việc hát hơn. Tôi vẫn luôn học hỏi cách hát ở các nơi khác nhau, đặc biệt là cố gắng chỉn chu hơn về văn hóa quan họ thể hiện trên mạng để mỗi khi ai biết đến và về đây tìm hiểu là mình luôn sẵn sàng đón tiếp”.

Đồng hành hiện đại - truyền thống trong môi trường số

Trên thị trường nhạc Việt, sự xuất hiện những bài hát độc đáo có sự kết hợp hiện đại và truyền thống đã tạo nên những hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Một số bài hát còn trở thành trào lưu trong nước và trên thế giới. Hà Myo, nghệ sĩ đầu tiên thử sức kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM cho rằng: “Hiện nay, việc chia sẻ video và âm nhạc trên các trang mạng xã hội đang rất phát triển. Qua mạng xã hội, Hà đã nhận được rất nhiều bình luận của người nước ngoài trên những sản phẩm âm nhạc truyền thống của mình. Hơn nữa, chất liệu âm nhạc mà Hà đang kết hợp sẽ gần gũi với âm nhạc thế giới. Hà hy vọng chính vì điều đó mà âm nhạc dân gian của chúng ta sẽ dễ dàng được lan tỏa trên thị trường quốc tế”.

Thời gian qua, một số sự kết hợp như của ca sĩ Hoàng Dũng với NSND cải lương Bạch Tuyết trong bài “Về nghe mẹ ru”, ca sĩ Hà Anh Tuấn với học trò của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu trong bài “Xin chào Việt Nam”... đem đến những sắc màu mới. Các bài hát đó được đăng tải, chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, nhận được phản hồi tích cực. Điều này cho thấy, việc nhạc cổ vận dụng phương tiện, công nghệ hiện đại và những cách thể hiện mới mẻ sẽ là chìa khóa để trở nên sống động và thân thuộc hơn.

Có thể nói rằng, nếu được đầu tư một cách nghiêm túc, những bài hát kết hợp này sẽ có sức hấp dẫn lớn. Đây cũng là một hướng đi có tiềm năng cho nhạc truyền thống trên nền tảng số. Nó vừa tạo điểm nhấn cho bản nhạc hiện đại, vừa đưa giai điệu truyền thống đến gần hơn với lớp người trẻ - nhóm công chúng ưa thích nhạc thịnh hành và cũng sẽ là lực lượng hùng hậu giúp mở rộng quy mô lan tỏa giá trị cổ nhạc.

“Mình cần đánh giá được đúng đối tượng lan tỏa các loại nhạc cổ và họ sẽ mang các tác phẩm nhạc cổ đó lên mạng như thế nào. Ngoài ra, để công chúng có lòng tin, sự say mê với các bài ca cổ thì người truyền dạy cần là người học sâu, học kỹ. Thí dụ như ca trù, là một môn nghệ thuật bác học, rất khó. Người dạy phải là những người nghệ nhân uy tín, có khả năng truyền nghề cao. Và dù diễn hay dạy hát qua mạng xã hội cũng cần đầu tư hình ảnh, chất lượng thật tốt”, anh Hy Phong, Phó Chủ nhiệm CLB ca trù Bích Câu chia sẻ.

Cần hướng đi bài bản

Có thể thấy, phát triển âm nhạc truyền thống trên nền tảng số là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, rất cần đến những định hướng, chính sách từ nhà nước, ngành văn hóa, nghệ thuật. Việc quản lý, xây dựng các kho dữ liệu nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống trên nền tảng số cần phải được quan tâm và chú trọng hơn nữa. Cùng với đó, việc lan tỏa âm nhạc truyền thống trong môi trường giáo dục cũng cần được đẩy mạnh. Các cấp, ban, ngành liên quan cần có chính sách đưa âm nhạc truyền thống vào học đường, trong đó có mô hình giới thiệu, trải nghiệm, dạy hát dân ca nhạc cổ qua nền tảng số.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và duy trì nhạc truyền thống cũng cần được chú trọng và quan tâm hơn. Việc này nhằm bồi bổ trình độ, nghiệp vụ công nghệ số cho các cán bộ, giảng viên văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ sĩ có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn để việc đưa nhạc cổ lên các website, mạng xã hội được nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần phát huy việc giảng dạy và học qua nền tảng số nhằm giúp nguồn nhân lực quản lý, nghệ nhân và nghệ sĩ được nâng cao khả năng tìm tòi, sáng tạo văn hóa nghệ thuật nói chung và phát huy giá trị nhạc truyền thống nói riêng qua internet.

Một yếu tố dễ thấy của nền âm nhạc truyền thống là tính dị bản, chủ yếu được truyền dạy bằng phương thức truyền miệng và giảng dạy trực tiếp. Nghệ nhân chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và lan tỏa âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều nghệ nhân đang lưu giữ âm nhạc truyền thống nhưng chưa biết cách lan tỏa, mang chúng đến gần hơn với người nghe thông qua nền tảng số. Vì vậy, Nhà nước cần kịp thời có những chính sách đãi ngộ, tận dụng tối đa khả năng truyền dạy của nghệ nhân với những mô hình học tập trực tuyến phù hợp nhằm phát triển thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ. Vận dụng tốt các “lớp học online” cũng sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, khắc phục những hạn chế về không gian do khoảng cách quá xa giữa người dạy và người học. Đồng thời, phát huy được việc một số ít nghệ nhân, nghệ sĩ có thể truyền dạy được cho nhiều người.

Nhạc cổ bay xa trên “cánh số” (kỳ 1)