Nhạc cổ bay xa trên “cánh số”

Bảo tồn và lan tỏa giá trị các thể loại cổ nhạc trên mạng xã hội ngày nay là rất cần thiết. Cần duy trì tích cực hơn nữa các hoạt động bảo tồn và định hướng thêm những giải pháp thiết thực hơn trong môi trường số để âm nhạc truyền thống giữ được nguyên giá trị văn hóa và hồn cốt tinh thần cho dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động hát xẩm diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Thịnh hạ phồn hoa”. Ảnh: CTCC
Hoạt động hát xẩm diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Thịnh hạ phồn hoa”. Ảnh: CTCC

Kỳ 1: Môi trường mới nhiều tiện lợi

Nhạc cổ đang được truyền tải tới công chúng bằng nhiều cách. Đặc biệt, nhiều thể loại đã được “số hóa” trên các nền tảng internet. Qua nhiều website, Facebook, kênh YouTube…, người ta dễ dàng tìm thông tin, những đặc trưng của các thể loại quan họ, chèo, xẩm, cải lương, ca trù…

“Hiện đại hóa” trong truyền tải

Trước kia, nhiều người trẻ có ít phương thức tiếp cận và nghe nhạc cổ nhưng thời gian gần đây, nhờ có mạng xã hội mà công chúng, trong đó có nhiều bạn trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm và nghe các thể loại nhạc cổ một cách dễ dàng hơn. Nhiều kênh chuyên về nhạc cổ đã ra đời trên không gian mạng. Cùng với đó, việc đổi mới các mô hình giới thiệu về nhạc cổ đã giúp người trẻ chủ động nghe và thêm yêu di sản văn hóa này.

Mạng xã hội cũng là kênh thông tin rất tốt và có lợi thế riêng để quảng bá văn hóa so cách làm truyền thống, đặc biệt là nhạc cổ, do đông đảo người dân hiện nay thường xuyên cập nhật thông tin từ mạng xã hội. Trên nền tảng Facebook, hiện có rất nhiều hội nhóm giao lưu, trao đổi về các thể loại nhạc cổ như Fanpage “Hội chèo cổ” có 81,5 nghìn thành viên, “Hội những người yêu hát xẩm” - 2,5 nghìn thành viên, Nhóm “Quan họ Bắc Ninh, CLB miền quan họ” có tới 83 nghìn thành viên, “Hát văn hầu đồng 3 miền” có 39 nghìn thành viên... Trên YouTube, các kênh nhạc cổ cũng có rất nhiều lượt theo dõi. Nhiều tác phẩm được cập nhật thường xuyên và được đón nhận nhiệt tình. Một số kênh có lượt tương tác cao như kênh “Cải lương Việt Nam” với 2,4 nghìn video tính đến hiện tại, được 1,88 triệu người đăng ký; “Soạn Giả Mai Văn Lạng” đã đăng 8,6 nghìn video, có 767 nghìn người đăng ký.

Anh Trương Tài Linh người sáng lập Nhóm “Yêu Cải Lương Trước 1975” trên Facebook chia sẻ: “Nhóm mong muốn chia sẻ những vở tuồng cải lương, bài tân cổ điển do mình và các thành viên sưu tầm. Cũng như là nơi trao đổi, tìm hiểu về cải lương, thông tin về các người nghệ sĩ mà mình yêu thích. Và cũng mong đây là nơi lưu giữ nhiều khoảnh khắc, những giá trị về nghệ thuật, hướng tới giới trẻ nhiều hơn”.

Năm 2022, trên nền tảng TikTok đã phát động chiến dịch quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống. TikTok phát hành video ca nhạc “Ngân Nga Việt Nam”, sử dụng bản phối từ ba làn điệu của quan họ, ca Huế và cải lương được nhạc sĩ Ngô Hồng Quang thực hiện. Đặc biệt “Ngân Nga Việt Nam” càng thêm đặc biệt qua sự kết hợp của ba nghệ sĩ đại diện cho ba dòng nhạc, đó là NSND Thúy Hường, NSƯT Vân Khánh và NSND Bạch Tuyết.

Mục đích chính của những người mở ra các hội, nhóm trên Facebook hay các website, kênh YouTube về cổ nhạc là muốn kết nối những người yêu thích các thể loại âm nhạc cổ truyền. Các cá nhân, nhóm, câu lạc bộ cũng nhờ đó mà được kết bạn, giao lưu, gặp gỡ ở ngoài đời, giúp nhau biết thêm về những cách hát khác nhau, hiểu thêm về vốn âm nhạc dân tộc, thêm hứng thú bảo tồn, phát triển âm nhạc một cách nhanh chóng và rộng rãi hơn. Cho đến nay, cả những nghệ nhân dù đã lớn tuổi, có nhiều vốn kinh nghiệm trong hát nhạc truyền thống nhưng vẫn học hát và mong muốn được giao lưu rộng rãi qua mạng xã hội. Bà Dương Thị Ba, Chủ nhiệm CLB quan họ làng Vân Khám (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) vốn biết hát nhiều thể loại nhạc cổ, trong đó có chèo, bà chia sẻ: “Bà rất thích xem và học hát, diễn chèo trên tivi hoặc trên YouTube. Khi biết rồi, mình tập đi tập lại nhuần nhuyễn rồi lại dạy cho người khác. Dù là quan họ, chèo hay hát chầu văn đều có giá trị rất riêng, cần bảo tồn và lan rộng cho mọi người biết hơn nữa, nhất là ngày nay, có thể học hỏi, giao lưu qua mạng xã hội”.

Nhạc cổ còn được quảng bá thông qua các gameshow, chương trình truyền hình thực tế... Nhiều dự án về phát triển và bảo tồn nhạc cổ như “Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam” có nhiều hoạt động trải nghiệm, giao lưu, tuyên truyền, được đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình ảnh. Hằng tuần, trung tâm thường tổ chức các buổi diễn nhạc cổ với nhiều hoạt động thú vị.

Nhạc cổ bay xa trên “cánh số” ảnh 1

Nghệ nhân Bùi Công Sơn đang hướng dẫn mọi người đàn và hát xẩm. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân xẩm Bùi Công Sơn chia sẻ: “Các loại hình di sản phi vật thể nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung hiện nay đang bị mai một rất nhiều. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đứng trước nguy cơ mất hẳn do nhiều yếu tố gây ra, nhưng các loại hình âm nhạc cổ truyền vẫn có lượng khán giả nhất định, vẫn có những người yêu thích, tìm tòi học hỏi và hành nghề. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng nó vẫn sống và tồn tại”.

Phát triển nhưng chưa đồng bộ

Trên một số website có các bài viết tìm hiểu về đặc trưng thể loại. Trên YouTube có các video hướng dẫn hát. Facebook giúp giao lưu, kết nối, trao đổi giữa người yêu nhạc với nhau. Nhìn chung, mạng xã hội đang là không gian bảo tồn và lan tỏa tốt đối với nhạc cổ. Tuy nhiên, chưa có sự lan tỏa đồng đều. Bên cạnh những tác phẩm được số hóa tốt, vẫn còn một số thể loại nhạc cổ còn ít được lan tỏa trên các nền tảng internet hoặc có nhưng còn rời rạc, khả năng tiếp cận công chúng thấp.

Các thể loại như quan họ, cải lương, chèo đang được phổ biến rộng rãi và cập nhật liên tục. Các video có sự đầu tư chỉn chu cả về hình ảnh lẫn chất lượng âm thanh. Như trong quan họ, không chỉ có những video trước đây của NSND Thúy Cải, NSND Thúy Hường… mà lớp nghệ sĩ trẻ cũng có rất nhiều video với những cách hát, cách thể hiện mới mẻ hơn, gần gũi, phù hợp công chúng. Một số thể loại khác như xẩm, ca trù cũng được các CLB, nhóm nhỏ, cá nhân đăng tải những video dạy và học hát. Trong khi một số thể loại vẫn chưa được quảng bá rộng rãi, số lượng video, bài viết trên các nền tảng mạng xã hội còn chưa nhiều như với đờn ca tài tử, tuồng, hò…

Thực tế cho thấy, nhạc cổ hiện nay mới được quảng bá như một cách bảo tồn nhưng chưa thể cất cánh rộng rãi tới đông đảo công chúng do còn thiếu phương pháp, thiếu lực lượng… Anh Hy Phong, Phó Chủ nhiệm CLB ca trù Bích Câu (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay mình vẫn chưa có thư viện online chứa dữ liệu bài bản về mặt lý thuyết, lịch sử, cách hát… chung cho nhạc cổ. Mình không có những nơi thống kê được dữ liệu về từng thể loại, nhà nghiên cứu, thông tin… Nên những người muốn tìm kiếm những thể loại nhạc cổ hát như thế nào, hát ra sao sẽ tìm đến những bài viết, video lẻ, thậm chí không biết thông tin có đúng, đủ không, cách hát đã chuẩn chưa…”.

Anh Trương Tài Linh nhận định thêm: “Việc sử dụng công nghệ số để lan tỏa niềm yêu thích cải lương là có hiệu quả. Mình là người chuyển đổi số các sản phẩm cải lương từ băng đĩa nhựa xưa trước 1976. Mà các sản phẩm đó hiện không còn máy móc thông dụng ở thị trường để nghe nữa. Do đó để phổ biến thì mình phải chuyển đổi số sang file nén, làm video với âm thanh chất lượng và đăng tải lên nền tảng YouTube và Facebook. Nhất là thời điểm hiện tại, ai cũng có điện thoại thông minh nên ở nhà họ có thể bấm một chút là ra các bài tân cổ hay vở cải lương để nghe và tiện hơn so máy móc”.

(Còn nữa)