Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Nhà nước cần bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh

Ông Vũ Tiến Lộc (ảnh trên), Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc nhận định:

Nhà nước cần bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh

Thủ tục hành chính phiền hà, chi phí kinh doanh cao

Môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay được đánh giá chưa tốt, trong cái chưa tốt đó, thì cái nhức nhối nhất theo tôi là thủ tục hành chính phiền hà. Thủ tục hành chính đã tiến bộ nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn khoảng cách với những nền kinh tế trong khu vực. Việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn vẫn còn khó khăn. Nếu không tiếp cận được đất đai, không có hình thức tích tụ ruộng đất hợp lý, rất khó cho việc phát triển, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Đất đai và các nguồn lực phải được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường. Thời gian vừa rồi, đất đai, tài nguyên hay tín dụng đã tập trung vào một số khu vực kém hiệu quả, từ đó tạo nên tình trạng hiệu quả thấp của nền kinh tế.

Thưa ông, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu những chi phí kinh doanh rất cao. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Doanh nghiệp Việt Nam (VN) chịu chi phí lớn quá. Chi phí vốn cao, phải chịu lãi suất cao. Doanh nghiệp đi vay sản xuất kinh doanh phải chịu luôn nợ xấu của các doanh nghiệp trước đó vì nợ xấu được hạch toán vào lãi suất. Lãi suất những nước chung quanh trong thời điểm kinh tế khó khăn có khi bằng 0, trong khi lãi suất ở Việt Nam lại cao chót vót. Mà doanh nghiệp VN chủ yếu sử dụng vốn ngân hàng. Riêng chi phí vốn thì doanh nghiệp VN đã thua.

Chi phí về lao động cũng đang tăng. Đồng lương tối thiểu của người lao động phải tăng lên là điều chính đáng, nhưng chi phí đóng bảo hiểm quá cao. Chi phí giao thông, điện nước cũng tăng nhanh trong khi đầu ra doanh nghiệp khó khăn, khả năng cạnh tranh kém. Chúng ta hay nói doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, nhưng cạnh tranh phải trên cùng mặt bằng về thể chế, về chi phí. Chi phí tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp VN cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, làm sao có thể cạnh tranh bình đẳng.

Cho nên, theo tôi phải tập trung rà soát tất cả các chi phí liên quan đến doanh nghiệp, tìm biện pháp để có thể giảm chi phí. Tất nhiên bài toán ngân sách đang rất khó khăn, nhưng nếu không tăng thu, tận thu thì doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thuận lợi trong kinh doanh, sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng thuế hơn. Cần tổng rà soát về chi phí, tổng rà soát các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con dẫn tới chi phí, bám sát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác. Không thể để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đi một đằng, các luật khác đi một nẻo.

Chi phí kinh doanh hiện nay liên quan tới nhiều thủ tục hành chính. Cải cách thủ tục hành chính có thể làm ngay vì chi phí không lớn, nhiều khi không cần chi phí nhưng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phải cải cách thể chế mà trọng tâm là thủ tục hành chính. Cho nên các địa phương đi nước ngoài không chỉ xúc tiến thương mại mà còn phải học hỏi các địa phương ở nước ngoài. Các đại sứ, tham tán ở nước ngoài cũng vậy, mỗi năm không chỉ báo cáo về thị trường mà còn báo cáo cả Chính phủ và địa phương đó vận hành nền kinh tế thế nào.

Chúng ta phải lấy nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ làm chuẩn, xem họ đạt chuẩn thế nào, họ quản trị thế nào. Nếu hải quan các nước thông quan chỉ hai ngày, tại sao mình phải 13 - 14 ngày. Phải vươn tới chuẩn quốc tế trong môi trường kinh doanh.

Có những bài học tốt trên khắp thế giới mà chúng ta có thể học hỏi để cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Không phải vấn đề lý thuyết nữa, mà học từ những kinh nghiệm thực tế từ những nền kinh tế thị trường.

Bỏ tội “kinh doanh trái phép”, bảo đảm quyền tự do kinh doanh

Thưa ông, từ việc các cơ quan chức năng nhanh chóng sửa sai việc khởi tố trái luật chủ quán cà-phê “Xin chào” tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đến “Hội nghị Diên Hồng” Chính phủ với doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tin sẽ có thêm niềm tin, động lực để hăng hái đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ông có tin tưởng đất nước đạt hai triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đặt ra?

Nhà nước cần bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc tìm hiểu thực tế ở một doanh nghiệp may.

Câu chuyện chung quanh quán cà-phê “Xin chào” có sức ảnh hưởng rất lớn. Tôi nghĩ câu chuyện từ quán cà-phê này đến mục tiêu đất nước có hai triệu doanh nghiệp, con đường vừa ngắn lại vừa dài. Rất ngắn nếu mình bảo vệ, thúc đẩy được các hộ kinh doanh kiểu như vậy trở thành doanh nghiệp, nhưng rất dài nếu mình có những hành vi như vậy của công quyền.

Tôi vẫn tin tưởng vào mục tiêu đất nước có 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nếu mình bảo vệ và có chính sách thúc đẩy để chuyển hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh trong cả nước sang doanh nghiệp. Phải làm sao để người dân và doanh nghiệp có niềm tin để bỏ vốn vào kinh doanh, nhất là trong bối cảnh khó khăn.

Cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua đã toát lên một thông điệp: môi trường kinh doanh sẽ an toàn, con đường kinh doanh của họ sẽ được bảo vệ. Thủ tướng đã có những phát biểu mạnh mẽ: Nói về phát triển kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong, vì vậy cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng khẳng định: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hành chính.

Từ ngày 1-7-2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ chính thức bãi bỏ tội “kinh doanh trái phép”. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh?

Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Như tôi đã nói, hiện nay môi trường kinh doanh của chúng ta không chỉ nhiều trở ngại mà còn kém an toàn, nhiều rủi ro về pháp lý. Niềm tin của doanh nghiệp được bảo đảm trước hết bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh. Việc bãi bỏ tội danh nêu trên là một bước tiến lớn.

Cái quan trọng nhất là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trừ những ngành có điều kiện, sao lại nói là kinh doanh trái phép? Tự do kinh doanh giải phóng sức sáng tạo của doanh nghiệp và bớt đi các thủ tục, tạo niềm tin, giảm chi phí, tạo phản ứng nhanh cho doanh nghiệp vì bất cứ cơ hội kinh doanh nào người ta đều có thể nắm bắt ngay. Đó là dấu ấn quan trọng, điểm then chốt bảo đảm an toàn cho môi trường kinh doanh.

Lĩnh vực kinh doanh đa dạng, luôn biến đổi, bộ máy nhà nước thì lại hữu hạn. Do vậy, sứ mệnh của Nhà nước phải bảo đảm không gian của quyền tự do kinh doanh rộng mở, chứ không phải từ sự hữu hạn của mình mà níu hẹp không gian này. Nhà nước sẽ triệt tiêu tính sáng tạo và sự phát triển khi muốn kiểm soát mọi thứ trong tầm tay, phù hợp với năng lực và sự trì trệ của mình.

Vụ quán cà-phê “Xin chào” diễn ra ở TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất và năng động nhất cả nước, chứng tỏ không thiếu những vụ việc thế này ở những mức độ khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi, nếu môi trường kinh doanh thế này thì cứ “sờ” vào bất cứ doanh nghiệp nào cũng “chết”, không lớn thì nhỏ, rủi ro lớn, nhất là những điều kiện pháp luật mập mờ như trong vụ quán cà-phê “Xin chào”. Đối với doanh nghiệp, chỉ cần một tin tung ra: doanh nghiệp đang trong quá trình chờ xét xử thì đã nguy rồi. Doanh nghiệp trở nên rất mong manh. Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, nếu doanh nghiệp chết thì đó là một tế bào kinh tế chết. Tôi nghĩ rằng, ba năm tới là ba năm rất quan trọng và cũng là ba năm khó khăn của doanh nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập sâu với quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp của các nước TPP, hay EU... Để chuẩn bị cho cái đó, doanh nghiệp phải được tiếp sức để lớn lên đủ sức cạnh tranh. Nếu không tiếp sức, hỗ trợ thì ba năm sau quay lại, doanh nghiệp Việt Nam còn lại được bao nhiêu trên sân nhà, hay lúc đó chỉ là mảnh đất của FDI.

Cải cách thủ tục hành chính có thể làm ngay vì chi phí không lớn, nhiều khi không cần chi phí nhưng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.