Sách giáo khoa mới

Nguy cơ trở lại độc quyền!

Đến hẹn lại lên, khi năm học mới 2024-2025 đã cận kề, nhiều vấn đề liên quan sách giáo khoa lại gây không ít băn khoăn, lo lắng cho người dùng. Từ giá cho đến vấn đề lựa chọn sách, rồi nỗi lo sách giả-sách thật,… đều còn đó những băn khoăn.
0:00 / 0:00
0:00
Cần thực hiện nghiêm các quy định liên quan sách giáo khoa để bảo đảm quyền lợi của cả người dạy và người học. Ảnh: HẠ AN
Cần thực hiện nghiêm các quy định liên quan sách giáo khoa để bảo đảm quyền lợi của cả người dạy và người học. Ảnh: HẠ AN

NĂM học mới này cũng là năm hệ thống giáo dục phổ thông hoàn thiện đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình 2018 ở tất cả các lớp. Đây cũng là năm giáo viên được "trả lại" quyền lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, để khắc phục những bất cập từng xảy ra như báo Nhân Dân cuối tuần đã nhiều lần phản ánh, mỗi trường học sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, và toàn bộ giáo viên các môn học được tham gia.

Theo khảo sát của phóng viên, tính đến thời điểm này, phần lớn các trường, các địa phương trên cả nước đã hoàn tất và chốt phương án sách giáo khoa được lựa chọn, thậm chí nhiều nơi đã triển khai cho phụ huynh, học sinh mua sách từ rất sớm. Tuy nhiên, qua không ít ý kiến giáo viên phản ánh, bày tỏ sự băn khoăn, nỗi lo lắng, lại cho thấy rằng ở một số cơ sở giáo dục kết quả chọn sách giáo khoa chưa phản ánh đúng ý chí của các giáo viên và người học. Giáo viên một trường liên cấp ở thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã rất bất ngờ khi học sinh của cô từ lớp 1 đến lớp 4 đang học sách giáo khoa bộ Cánh Diều, thì năm nay lên lớp 5 lại chuyển sang học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Được biết, tình trạng này còn xảy ra ở một số địa phương khác như: Cà Mau, Phú Thọ, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp,…

Đành rằng, một trong những tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT là phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy-học tại cơ sở giáo dục phổ thông; song, một số chuyên gia chia sẻ ý kiến với Nhân Dân cuối tuần cũng bày tỏ thắc mắc, nghi ngại ở những dấu hiệu bất thường trong lựa chọn sách. Còn ý kiến phụ huynh, người học cũng mong mỏi, các cơ sở giáo dục nên giữ ổn định và có phương án lựa chọn đa dạng các bộ sách. Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị) lo ngại, nếu địa phương chỉ chọn một bộ sách giáo khoa hay chỉ chọn mỗi môn học một cuốn sách của một bộ thì sẽ quay lại tình trạng độc quyền sách giáo khoa như trước.

Bên cạnh đó, nỗi lo được không ít bậc phụ huynh chia sẻ là sợ mua phải sách giáo khoa giả, sách lậu, sách kém chất lượng. Đây là thị trường ngày một phức tạp bởi công nghệ in ấn càng hiện đại thì sách giả, sách in lậu được sản xuất ngày một tinh vi và khó lường. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhằm hạn chế tối đa nạn này trên thị trường. Đơn cử như tính từ cuối tháng 5/2024 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp cùng Đội quản lý thị trường trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía nam phát hiện và tiến hành thu giữ hơn 50.000 cuốn sách giáo khoa nghi ngờ là sách giả mạo nhãn hàng hóa của nhà xuất bản.

Để khắc phục tình trạng này, các nhà xuất bản cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, khách hàng cũng cần tỉnh táo để tự phân biệt sách thật, sách giả. Theo đó, người dùng cần phân biệt mầu sắc, chất liệu giấy, nhất là kiểm tra tính "tương tác" giữa sách với các tiện ích kỹ thuật số bổ trợ. Nếu mua nhầm sách giả, sách in lậu, học sinh sẽ không sử dụng được những tiện ích này, từ đó không khai thác được đầy đủ giá trị của các bộ sách giáo khoa theo Chương trình mới.

Từ đây, các đơn vị xuất bản khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và các em học sinh khi tìm mua sách giáo khoa hãy lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, đồng thời kiểm tra tem nhãn, kiểm tra tính tương tác giữa sách in giấy với nội dung kỹ thuật số kèm theo - để mua đúng sản phẩm được bảo hộ nguồn gốc và chất lượng nhất từ chính hãng.

ĐỂ thực hiện tốt các quy định mới, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cả người dạy và người học, sự cạnh tranh công bằng trên thị trường, thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm phối hợp cơ quan chức năng, ban ngành liên quan, tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát những địa phương, đơn vị có dấu hiệu lựa chọn sách giáo khoa thiếu dân chủ, áp đặt, định hướng giáo viên, đi ngược lại quy định trong Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT; kịp thời có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường sách giáo khoa, bảo đảm lợi ích người học