Nghịch lý của thị trường lao động

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp ở các đô thị lớn, khu công nghiệp vẫn đang phải “đỏ mắt” tìm lao động. Nghịch lý này cho thấy cần cấp bách tìm giải pháp xử lý hiệu quả, từ công tác hướng nghiệp cho tới hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II trải nghiệm thực tế tại một doanh nghiệp.
Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II trải nghiệm thực tế tại một doanh nghiệp.

Nỗi lo từ hiện tượng “tự thất nghiệp”

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong cả nước vẫn đang tích cực tuyển thêm người để bảo đảm công việc sản xuất, kinh doanh. Hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước cũng liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng tìm đủ người. Có doanh nghiệp cần một lúc 500 lao động để mở rộng sản xuất nhưng chỉ tuyển được 70 người.

Một khảo sát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, cho thấy có tới 19% số đơn vị gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Tương tự, tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp cũng khó tuyển đủ lao động, mặc dù các phiên giao dịch việc làm được tổ chức lưu động nhằm đưa doanh nghiệp xích lại gần hơn với người lao động, tạo điều kiện cho sinh viên mới ra trường sớm tiếp cận với thị trường lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung chín tháng năm 2024, số người thất nghiệp đã giảm 5.000 người so cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, số người thất nghiệp sẽ nhích lên, nguyên do đây là thời điểm nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục, đang trong quá trình chuyển đổi, chờ xin việc. Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên và tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, phản ánh tình trạng khó khăn khi tìm kiếm việc làm.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng chỉ ra, có thực trạng, hiện nay diễn ra xu hướng “tự thất nghiệp”, tức chọn hình thức chủ động thất nghiệp, không đi xin việc làm. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp vẫn “khát” lao động, nhưng số lượng lao động thất nghiệp lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài tích cực các hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm, phải xử lý vấn đề từ gốc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị, một trong những giải pháp là công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh cần được chú trọng và triển khai hiệu quả hơn. “Hiện nay các cơ sở giáo dục trung học phổ thông không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp. Các trường phải tìm giải pháp, nâng cao năng lực cho giáo viên về chuyên môn hướng nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tăng cơ hội học nghề cho học sinh phổ thông

Trước đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, ngày 10/2/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% số trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Quyết định này cũng nêu, mục tiêu đến năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao.

Trước mắt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện hữu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, mau chóng bổ sung nguồn nhân lực mà thị trường đang thiếu hụt. Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: “Để kịp thời trang bị cho người học nghề những kiến thức, kỹ năng số nhằm đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nội dung các chương trình đào tạo phải được cập nhật, bổ sung những kiến thức mới qua các môn học, module bắt buộc hoặc tự chọn do các nhà trường lựa chọn đưa vào chương trình đào tạo phù hợp từng ngành, nghề cụ thể”.

Cũng theo ông Bình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới, kỹ năng mới, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logicstics, đường sắt tốc độ cao…

Ở góc độ chuyên gia đào tạo, PGS, TS Đỗ Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Cứ hai năm, nhà trường sẽ rà soát lại chương trình đào tạo để kịp thời đổi mới, bắt kịp thị trường lao động. Những năm qua, chúng tôi cũng đã phối hợp nhiều doanh nghiệp, đưa chương trình của doanh nghiệp vào nhà trường, giúp tăng thời gian học viên được học từ thực tế, nâng cao năng lực. Mỗi năm, nhà trường có 1.500-1.700 học viên tốt nghiệp và 85% số đó làm đúng nghề được đào tạo”.

Ngoài ra, để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động, nhiều chuyên gia còn chỉ ra, đội ngũ giáo viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải được nâng lên, gia tăng số lượng giảng viên lĩnh vực công nghệ cao. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm phải được đầu tư để phục vụ việc dạy và học, khẳng định thương hiệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế, có tình trạng nhiều học sinh không thi đỗ vào các trường đại học mới chấp nhận đăng ký học cao đẳng, trường nghề. Bởi vậy năng lực của sinh viên trường nghề không cao, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề. Nghịch lý này đã và đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội.