Nguy cơ suy giảm thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cho hay các nền kinh tế Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những biến động lớn về vận tải đường biển, làm dấy lên lo ngại về lạm phát trên toàn thế giới và suy giảm thương mại toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI

Fitch cho rằng, trong trường hợp gián đoạn kéo dài, khu vực Nam Á sẽ trải qua sự gia tăng gần như lớn nhất về khoảng cách vận chuyển hàng hóa thương mại đường biển, thời gian vận chuyển và chi phí do tuyến đường thương mại quan trọng này vẫn chưa thể tiếp cận được. Gián đoạn ở Biển Đỏ có nguy cơ làm giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ và châu Á trong năm 2024. Bộ Thương mại Ấn Độ nhận định các cuộc tấn công của Houthi đã làm chi phí vận chuyển hàng hóa, phí bảo hiểm cao hơn và thời gian vận chuyển dài hơn, khiến giá hàng hóa nhập khẩu đắt hơn đáng kể.

Xung đột tại Biển Đỏ khiến ngành hóa chất của Đức, vốn có quy mô lớn nhất châu Âu, đối mặt nhiều khó khăn. Với doanh thu hằng năm khoảng 260 tỷ euro, ngành hóa chất Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ châu Á. Thị trường này chiếm khoảng 33% lượng hàng nhập khẩu bên ngoài châu Âu của Đức. “Gã khổng lồ” trong ngành hóa chất của Đức Evonik cho biết, một số tàu vận chuyển hàng cho hãng còn phải đổi hành trình di chuyển đến ba lần chỉ trong vài ngày. Ngoài việc nguồn cung bị gián đoạn, chi phí nhiên liệu cao hơn cũng ảnh hưởng đến các công ty hóa chất, do các tàu chở nguyên liệu thô phải mất thêm 14 ngày để có thể cập cảng. Điều này khiến khách hàng phải chịu thêm một phần chi phí phát sinh.

Biển Đỏ là tuyến đường vận chuyển quan trọng kết nối trực tiếp với kênh đào Suez, giúp giảm đáng kể khoảng cách vận chuyển hàng hóa thương mại đường biển giữa châu Âu - châu Á và có tới 12% khối lượng hàng hóa thương mại của toàn cầu được vận chuyển qua đây. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những biến động lớn trong thị trường vận tải container và đường biển, làm dấy lên lo ngại về lạm phát trên toàn thế giới.

Theo S&P Global, các cuộc tấn công vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ có nguy cơ gây ra thời kỳ hỗn loạn cho các nhà sản xuất và bán lẻ châu Âu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Các hãng container chuyên vận chuyển hàng hóa và linh kiện hầu hết cung cấp mỗi tuần một chuyến dịch vụ trên các tuyến đường phổ biến nhất. Việc các linh kiện đến chậm khiến dây chuyền sản xuất của một số nhà sản xuất ô-tô đình trệ. Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, hàng dự trữ của các nhà bán lẻ có thể sẽ cạn kiệt. Một số nhà sản xuất ô-tô phụ thuộc vào các tàu chở linh kiện, trong đó Tesla ở Đức, Volvo Cars ở Bỉ và Suzuki ở Hungary, đã tạm dừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất xe.

Công ty thực phẩm Danone (Pháp) cho biết sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm thiểu, gồm việc sử dụng các giải pháp thay thế như vận tải hàng không, nếu tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ kéo dài hơn hai hoặc ba tháng. Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Pepco (Anh), sở hữu chuỗi siêu thị giá rẻ Poundland và điều hành gần 3.500 cửa hàng quần áo giảm giá trên khắp châu Âu, cảnh báo tình hình hiện nay dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và giao hàng chậm hơn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ. Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10/2023 kéo theo căng thẳng ở Biển Đỏ, WTO dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 3,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, hiện bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năm 2024 có thể sẽ thấp hơn.

Thiệt hại kinh tế do xung đột ở Biển Đỏ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy thành lập một phái bộ an ninh hàng hải tại Biển Đỏ trước ngày 19/2. Theo đó, giải pháp khả thi là mở rộng phái bộ Agenor do EU dẫn đầu đang hoạt động ở eo biển Hormuz sang Biển Đỏ và phái bộ của EU sẽ phối hợp với chiến dịch hiện nay do Mỹ dẫn đầu để tuần tra tại khu vực Biển Đỏ.