BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Người thương binh với bài thuốc quý đặc trị bỏng

Nắm giữ trong tay bài thuốc quý có thể làm giàu nhưng gần 40 năm chữa bỏng, gia sản lớn nhất của lương y Đào Viết Thoàn, sinh năm 1958 có lẽ là sự yêu mến, cảm phục của hơn 33.700 bệnh nhân từng được ông chữa trị.
0:00 / 0:00
0:00
Lương y Thoàn chữa bỏng cho trẻ em tại nhà.
Lương y Thoàn chữa bỏng cho trẻ em tại nhà.

“Mỡ sinh cơ” - tiên dược chữa bỏng

Tìm về thôn Đồng Ấu (xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) hỏi thăm “bệnh viện” bỏng thu nhỏ của ông Thoàn thì ai nấy đều chỉ đường vanh vách. Ngôi nhà của ông Thoàn trông bình dị như bao ngôi nhà khác, trước đây vốn là ngôi nhà tình nghĩa do địa phương xây cho gia đình.

Trong ngôi nhà, hình ảnh người thương binh khoác áo blouse khập khiễng băng bó, tháo gạc, động viên bệnh nhân đã diễn ra 36 năm nay. Đó cũng là quãng thời gian ông Thoàn chẳng biết đến ngày nghỉ hoặc chẳng dám đi đâu xa quá một ngày vì sẽ có rất nhiều bệnh nhân chờ ông chữa trị.

Lật giở cho tôi xem cuốn sổ bệnh án đã ám màu thời gian, ông Thoàn ghi lại đầy đủ thông tin của từng bệnh nhân đến điều trị. Con số bệnh nhân đến nay đã lên đến hơn 33.700 người. Trong đó, ông đã miễn tiền thuốc, tiền công cho 11.587 bệnh nhân bỏng thuộc đối tượng chính sách, thương bệnh binh, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi với tổng số tiền khoảng 8,7 tỷ đồng.

Bài thuốc mà ông Thoàn sử dụng điều trị bỏng hơn 30 năm nay là “mỡ sinh cơ” được ông kế thừa và phát triển từ các cây thuốc nam như nghệ, lạc tiên, đu đủ, chìa vôi... Ông cho biết, từ cụ già nằm lâu ngày bị lở loét đến cháu nhỏ sơ sinh bị bỏng thuốc đều đáp ứng tốt, tỷ lệ bệnh nhân khỏi sẹo, vết loét lâu liền, các bệnh ngoài da đạt 100%, chưa từng xảy ra tai biến hay tác dụng phụ. Bài thuốc mỡ sinh cơ của ông Thoàn có tác dụng hút dịch mủ, nuôi thịt mới rất nhanh, đó cũng là nguyên nhân ông đặt tên cho bài thuốc là mỡ sinh cơ.

Vốn ham học hỏi, ông Thoàn không chỉ chữa bệnh mà còn tự nghiên cứu để tìm ra các bài thuốc, phương pháp điều trị tốt hơn. Hiện nay, ông đã nghiên cứu thành công “thuốc mỡ dưỡng da” và được tặng giải nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2018.

Đến nay, ông Thoàn đã sở hữu 6 sáng kiến được công nhận gồm: Nghiên cứu, bào chế dung dịch nghệ vàng 5% và cải tiến phương pháp dùng thuốc chữa bỏng; Nghiên cứu bào chế sản phẩm mỡ dưỡng da, làm đẹp da, chữa sẹo; Nghiên cứu bào chế sản phẩm mỡ bôi chữa bệnh zona thần kinh, phỏng dạ; Nghiên cứu bào chế mỡ vàng đặc trị vết thương, vết loét lâu liền; Nghiên cứu bào chế sản phẩm mỡ bôi chữa nấm, ngứa viêm da và thuốc mỡ sinh cơ.

Một số ghi nhận với lương y Đào Viết Thoàn: Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông năm 2013 của Bộ Y tế; Huân chương Lao động hạng nhì năm 2014; Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2015; Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú năm 2020.

“Bệnh viện bỏng” giữ miền quê lúa

Động lực lớn nhất để ông Thoàn cố gắng vượt lên số phận chính là lời dạy của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế. Năm 17 tuổi khi đang làm việc tại Nhà máy điện Uông Bí, ông Thoàn đã tình nguyện nhập ngũ thuộc Lữ đoàn 408, Quân khu 3. Năm 1979, ông bị trúng pháo của đối phương và bị thương nặng đến nỗi chấn thương sọ não, vỡ bánh chè chân phải, mất một nửa tai phải, mất xương bàn chân phải, đặc biệt mất đi một con mắt. Ông đã trải qua nhiều lần phẫu thuật tại Bệnh viện 103.

Riêng vết thương ở bàn chân phải không thể liền cho dù được ghép da bốn lần, hoại tử vào tận xương. Được sự giới thiệu của Bệnh viện 103, ông đã đến chùa Trắng ở xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để nhờ sư thầy Thích Đàm Lương đắp lá, bốc thuốc. Vết thương của ông Thoàn nhanh chóng liền và trong quá trình bôi thuốc không bị đau nhiều như các lần trước.

Thấy ông có tố chất để trở thành thầy thuốc, sư thầy nhận ông làm đệ tử và truyền nghề thuốc. Ông Thoàn học nghề y ở chùa từ năm 1982 đến 1987. Trong thời gian ở chùa, ông đã mua rất nhiều tài liệu y học cổ truyền về nghiên cứu, chắt lọc đặc biệt là các cây thuốc nam phổ biến trong cuộc sống có tác dụng giảm đau, mau lành vết thương. Tháng 2/1987 ông trở về quê hương với thương tật hạng ¼ và bắt đầu chữa trị bỏng tại nhà.

Năm 2010, có trong tay một số tiền sau bao năm lao động nhưng ông Thoàn không chọn xây nhà to cửa rộng mà đã xây dựng dãy nhà nội trú cho bệnh nhân đến điều trị tại nhà. Tất cả bệnh nhân điều trị nội trú đều được ông miễn phí tiền giường nằm, điện nước, có lúc bệnh nhân đến nội trú đến gần trăm người gồm cả người nhà, ông không thu tiền một ai. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại nhà ông trong hơn chục năm qua lên đến khoảng gần 20 nghìn bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân bỏng nặng, họ được cấp cứu tại Trạm Y tế xã An Quý sau khi ổn định thì chuyển về nhà ông điều trị tiếp.

Trên tấm bảng nội quy cơ sở treo trước sân, ghi điều đầu tiên: “Tiếp đón bệnh nhân tai nạn bỏng 24/24h tại nhà” nên ông Thoàn chẳng mấy khi có ngày nghỉ, kể cả ngày lễ, Tết, bệnh nhân đêm hôm gọi cửa là ông bật dậy ngay lập tức. Ông bảo rằng, nỗi đau của người bệnh cũng là nỗi đau của mình. Tôi thấm nhuần tư tưởng của Đức Phật và của Bác Hồ, xã hội từ thiện, lương y từ mẫu, hạnh phúc của người bệnh là phần thưởng quý giá nhất.

Ông Vũ Văn Lũng xã An Quý, cựu chiến binh từng điều trị bỏng tại nhà lương y Thoàn chia sẻ: “Hơn một tháng nằm viện với vết thương rất nặng tôi được các bác sĩ trả về, thối đến độ 4. Tôi tìm đến bác Thoàn và được chữa trị trong sáu tháng, cứ ba ngày bác Thoàn lại đạp xe đạp tới nhà tôi thay băng. Đến lúc tôi khỏi và muốn trả công thì bác Thoàn bảo, chúng ta đều là cựu chiến binh vào sinh ra tử, may mắn trở về quê hương thì giúp đỡ nhau thôi chứ tôi không lấy tiền của chú”.

Đóng góp cho quê hương

Ông Thoàn xác định làm nghề y không phải để làm giàu, lúc nguy nan phải cứu người hàng đầu, không được màng lợi ích. Ông đã tặng bài thuốc chữa bỏng cho một số trạm y tế cấp xã trong huyện và Bệnh viện đa khoa Phụ Dực để ứng dụng và điều trị miễn phí cho người nghèo trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ trong nhiều năm qua.

Gần 40 năm chữa bỏng cứu người, lương y Thoàn luôn tìm kiếm “truyền nhân” để phát huy bài thuốc chữa bỏng, tránh bị thất truyền. Ông động viên các con theo nghề y và hiện nay con trai lớn của ông tuy theo tây và đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình nhưng anh rất tâm huyết kế thừa và phát huy bài thuốc chữa bỏng gia truyền của cha. “Mộng áo trắng một đời bác sĩ/Thành lương y hoan hỉ cứu người” là câu mà lương y Thoàn lấy làm kim chỉ nam và thường căn dặn các con khi theo nghề y.

Ngoài ra, mỗi năm lương y Đào Viết Thoàn còn trích từ 20 - 25 triệu đồng để ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách tại địa phương. Riêng phong trào xây dựng nông thôn mới tại An Quý, ông đã ủng hộ 250 triệu đồng, góp phần đưa xã An Quý đạt chuẩn Nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Hán, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình cho biết: Đồng chí Đào Viết Thoàn là một thương binh nặng, anh không những học được bài thuốc chữa được bệnh cho bản thân mà còn phát triển bài thuốc chữa bỏng cho hàng chục nghìn bệnh nhân trên cả nước. Anh Thoàn được bà con thôn xóm, đồng đội rất yêu mến, kính trọng.