Người tạo ra giống lúa lai hai dòng của Việt Nam

NDO - Tính từ ngày thành lập Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội (1956) tới nay, với đội ngũ đông đảo các giáo sư thì ngoài bác sĩ nông học Lương Ðịnh Của ra, giờ mới có thêm một Anh hùng Lao động  là  PGS, TS Nguyễn Thị Trâm.

Không phải chỉ với thành quả giống lúa lai TH3-3 mới là điều đáng nói mà những ai đã từng làm nông nghiệp nước ta đều biết đến các giống lúa của VN: NN9, NN10, NN23, NN75- 6, ÐH60, Nếp thơm 44, 265... mà bà Trâm chính là 'mẹ đẻ' của chúng.

Năm trước trong chương trình trên VTV1 chuyên mục 'Sức sống mới' nhiều lần Nguyễn Thị Trâm được mời  trả lời những câu hỏi về thành quả lai tạo giống lúa của bà. Còn báo Tuổi Trẻ có bài viết: 'Giống lúa 10 tỷ đồng', gây xôn xao dư luận trong cả nước. Nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã gọi Nguyễn Thị Trâm  là ' Người mang lửa về quê chồng'  (Nghĩa Phong, Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh), thứ lửa tình yêu mà bà đã đem về sưởi ấm quê hương... Tất cả xoay quanh giống lúa lai hai dòng TH3-3 mà nên chuyện.

Nguyễn Thị Trâm cả đời vì cây lúa. Năm 1963 tốt nghiệp Ðại học Nông nghiệp, về làm việc ở Viện Cây Lương Thực. Năm 1980 - 1984 nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ). Năm 1985 dạy ở Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Năm 1993 theo học  về lúa lai ở Hồ Nam, Trung Quốc. Rồi lại trở về trường cho tới nay. Với Nguyễn Thị Trâm cái nghiệp nghiên cứu, tìm tòi đã thấm vào máu thịt. Không  biết có phải trời đất sinh ra bà để làm công việc ấy? Như vậy từ khi bước vào nghề tới nay đã gần 50 năm, ngần ấy năm có những cái mốc không thể nào quên:

 Là PGS nông học, bà say mê đọc sách, tìm tòi, tích lũy cả trong lý thuyết cũng như thực tế sinh động trên đồng ruộng. Thông cảm với người nông dân một nắng  hai sương làm ra hạt thóc; hướng tới những tiến bộ về công nghệ lúa lai trên thế giới. Năm 1993  là bước ngoặt quan trọng đánh dấu cả cuộc đời làm khoa học của PGS Trâm. Ấy là ở Trung Quốc bà gặp được, tiếp xúc và làm việc với một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới Viên Long Bình. Ông là tác giả của giống lúa lai ba dòng,  đã cứu đất nước Trung Hoa thoát khỏi đói nghèo, tiến tới 'giữ yên' về lúa gạo cho hơn một tỷ người. Trung Quốc trở thành thị trường thân cận về lúa lai của Việt Nam. Ông đã từ lý luận cơ bản của Măng-đen tìm được dòng bất dục đực tạo ra giống lúa lai F1 mang tính trội của thế hệ đầu, từ đó cho ra đời một loạt giống lai ba dòng năng suất cao hơn hẳn các giống lúa thuần.

Bà Trâm nhớ như in lời dặn của đồng chí Nguyễn Công Tạn, lúc  đó là Bộ trưởng Nông nghiệp,  trước lúc bà  sang Trung Quốc: 'cố  học ít nhất thu được cái  gì về lúa lai...' . Và bà đã để tâm định hướng, sự định hướng của một nhà khoa học là vô cùng quan trọng, ở đâu thấy  'lóe lên'  là bắt lấy...Làm việc với Viên Long Bình nếu đi vào hướng giống lai ba dòng thì không khác nào húc đầu vào đá. Bà đã kiên trì, thầm lặng, 'học lỏm' được phương pháp, lần tìm ra cái khóa bí mật mang về áp dụng ở Việt Nam: Sự nhạy cảm với ngưỡng nhiệt độ, và thời gian chiếu sáng, sảy ra 10 - 18 ngày trước khi lúa trỗ. Mà ở miền bắc vụ mùa, miền trung vụ xuân 'điều kiện' trên là hoàn toàn có thể.

Nhân đây xin nói thêm: lúa vốn là giống tự thụ, nghĩa là trong mỗi hoa đã có đủ nhị đực, nhị cái tự thụ phấn kết hạt. Khoa học ngày nay con người đã lần mò 'can thiệp' và tạo nên  giống mẹ bất dục đực (không có phấn hoa) mà phải nhờ 'cây bố' bên cạnh thụ cho, để có con lai (F1) năng suất cao... theo ý định của con người. Nguyễn Thị Trâm với lý luận cơ bản ấy đã cho ra đời hàng loạt tổ hợp lúa lai hai dòng, đầu tiên là TH3 - 3, rồi đến TH3-4, TH3-11, TH3-1,TH2-3... trong đó TH3-3 là sáng giá nhất với ưu điểm năng suất cao, chất lượng tốt và ngắn ngày.

Trong lúc khó khăn về kinh tế để mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở phục vụ nghiên cứu ban đầu, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn như người mẹ đỡ đầu đã trích 9.000 USD từ quỹ Bộ trưởng tiếp sức cho bà Trâm; khi có tổ hợp mới ra đời ông lại giao khuyến nông làm thử thấy lúa tốt không kém lúa lai Trung Quốc. Nhưng không may có năm gặp bão bị dập nát tơi bời. Không nản, bà cứ làm tiếp và trời đã không phụ lòng người có tâm mà nên thành quả.

Lại nói đến việc đưa tổ hợp ra đại trà. Lúc này ở Nam Ðịnh có người nông dân 'trẻ người' mà không 'non dạ'- anh Ðoàn Văn Sáu, từng là đệ tử đi theo, đón nhận và chỉ đạo sản xuất giống TH3-3 với bà Trâm tính tới nay đã sáu năm anh chỉ đạo ở Nam Ðịnh và một số tỉnh miền bắc. Từ kết quả ba năm đầu (2005 -2007), 'làm ruộng ba năm' đã có đủ độ tin, cộng với 'Nghị định của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công nghiệp' (đề ngày 5-9-2005). Nó như sự 'cởi trói' cho các nhà khoa học, thỏa sức sáng tạo tìm tòi đóng góp vào kho tàng kiến thức cho đất nước và làm giàu bản thân...Anh Sáu đã đứng ra thành lập công ty và ký mua bản quyền với giá 10 tỷ đồng tiền tươi thóc thật. Qua bản hợp đồng bên A do Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Ðại học Nông nghiệp I Hà Nội, GS, TS Nguyễn Quang Thạch và tác giả PGS, TS Nguyễn Thị Trâm, bên B là Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân do Ðoàn Văn Sáu ký. Tới nay  qua ba năm (2008 - 2010) anh Sáu không chỉ tổ chức sản xuất thành công giống lúa TH3-3 ở Nam Ðịnh mà còn ở nhiều tỉnh trong nước (từ miền trung trở ra), mỗi năm sản xuất ra hàng nghìn tấn thóc giống F1 có chất lượng cho nông dân. Riêng Nam Ðịnh vụ mùa 2010 đã sản xuất được gần 800 tấn, đủ cấy hàng vạn ha. Hiện nay Ðoàn Văn Sáu là người độc quyền sản xuất lúa lai TH3-3 trong cả nước. Ðây không  phải là thứ hàng mua đứt bán đoạn mà có sự ràng buộc. Bên A chỉ được quyền cung cấp cặp lai bố mẹ cho bên B. Cạnh đó có Anh hùng Trần Văn Cận thường xuyên giúp một tay về kỹ thuật sao cho cây bố cây mẹ trỗ cùng ...

Do ưu điểm của giống lúa  lai TH3-3 thích ứng rộng, năng suất cao chất lượng tốt và ngắn ngày có giá trị hàng hóa và tăng vụ... nên không những ở Nam Ðịnh mà nhiều tỉnh miền bắc đã đưa vào cơ cấu giống chủ lực vụ mùa.

Từ những thành quả về lai tạo giống, nhất là giống lúa lai TH3-3, PGS, tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm được ghi nhận là 'người đầu tiên làm ra giống lúa lai hai  dòng ở Việt Nam'. Bà xứng đáng mang danh hiệu Anh hùng, biểu tượng đẹp của đội ngũ những người làm khoa học trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.