Ngô Điền - Nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc

Từ một thư sinh tú tài trường Quốc học Huế, hơn 46 năm theo Đảng và cách mạng, ông Ngô Điền đã có những đóng góp đáng kể cho nền ngoại giao và báo chí nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Ngô Điền (bên trái) trong một lần trình Quốc thư lên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.
Đại sứ Ngô Điền (bên trái) trong một lần trình Quốc thư lên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.

1/Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ, GS, TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Toán học, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (con trai cả cố Đại sứ Ngô Điền) chia sẻ: Suốt cuộc đời đi theo cách mạng, cha tôi làm nhiều việc nhưng hai lĩnh vực mà ông có duyên nợ nhất là báo chí và ngoại giao. Không kể hơn 10 năm là Trưởng đại diện của Việt Nam thông tấn xã (sau này đổi thành Thông tấn xã Việt Nam) ở Trung Quốc và Campuchia, ông còn có 13 năm làm Vụ trưởng Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao (1965-1978).

Ngô Điền vốn học giỏi các môn tự nhiên, từng đoạt giải nhất về Toán ở lớp tú tài, trường Quốc học Huế. Nhưng vì có năng khiếu nói năng, diễn đạt nên thời kỳ Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được giao làm Tổng thư ký Ủy ban Quân sự tỉnh Thừa Thiên; chủ nhiệm tờ Chiến sĩ của Liên khu 4 đóng tại Huế.

Đầu năm 1947, ông Ngô Điền được điều động ra Việt Bắc tham gia đơn vị quân giới cùng với các ông Phạm Đồng Điện, Hoàng Xuân Tùy, Lê Khắc do GS Trần Đại Nghĩa phụ trách, nhưng ở đây một thời gian ngắn, ông lại được chuyển đổi công tác. Sau hội nghị chính trị viên toàn quân (lần thứ nhất) Quân ủy Trung ương có chủ trương ra tờ báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân). Khoảng tháng 6, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư và giao ông Ngô Điền trực tiếp làm chủ bút tờ báo này. Tháng 10/1950 tại xã Định Biên, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), báo Quân đội nhân dân chính thức thành lập, nhưng hơn ba năm hoạt động, tờ Vệ quốc quân đã để lại những dấu ấn khó quên trong tâm trí quân và dân thời kháng chiến chống Pháp. Bởi trong điều kiện rừng sâu, núi thẳm, thiếu thốn trăm bề, in ấn khó khăn, ngày đêm kẻ thù rình rập nhưng Vệ quốc quân đã phản ánh đậm nét khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta trên các mặt trận. Bên cạnh những trận công đồn của chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch sông Lô, Cao-Bắc-Lạng, tờ báo cũng thể hiện sinh động các phong trào của công nhân, nông dân, phụ nữ hướng về kháng chiến; những tâm tư tình cảm của người hậu phương gửi gắm cho binh sĩ nơi chiến trường...

Năm 1950, sau khi hoàn tất các thủ tục đặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ngô Điền với danh nghĩa Phó giám đốc Việt Nam thông tấn xã được tiến cử sang kiêm trưởng phân xã tại Bắc Kinh. Mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đảng và hai nước Việt- Trung; những chuyến thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai phía; các Hội nghị Giơ-ne vơ và Băng Đung đều được Ngô Điền viết bài, đưa tin chuyển về phục vụ kịp thời cho báo chí trong nước. Ngoài Việt Nam thông tấn xã, lúc đó các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam đều sử dụng nguồn thông tin do Ngô Điền cung cấp.

12 năm ở Campuchia, chỉ trừ thỉnh thoảng về Hà Nội hội họp, hoặc nhận chỉ đạo từ cấp trên rồi tranh thủ ghé thăm vợ, con một hai hôm chứ hiếm khi ông Điền có mặt ở nhà cả tuần lễ.

2/Theo GS Ngô Việt Trung, do nhu cầu nhiệm vụ, năm 1956 cha ông được Đảng, Nhà nước điều chuyển sang làm Trưởng đại diện Việt Nam thông tấn xã tại Campuchia. Ngô Điền thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh (chưa kể tiếng Trung, tiếng Nga sau này), lại có năng lực đối ngoại cho nên năm 1962, ông đã được Nhà nước quyết định sang làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyết Việt Nam tại Cộng hòa Mali - một quốc gia vùng Tây Phi sát với Algéria.

Gắn bó với ngành ngoại giao hơn 30 năm nhưng quãng thời gian có ý nghĩa nhất của ông Ngô Điền, như GS Ngô Việt Trung cho biết “qua những cuốn sổ tay cha tôi ghi chép và không ít kỷ niệm khi còn sống ông kể lại cho con cháu, thể hiện sự đóng góp của người dân Việt Nam trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Khmer”.

Ông Trung nhớ lại: Cuối năm 1978 tôi kết thúc khóa học ở Cộng hòa Dân chủ Đức về nước. Ở với cha tôi được mấy tháng thì giữa năm 1979 ông nhận lệnh vào Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó trưởng ban B68 rồi sang Campuchia nhận bàn giao Đại sứ từ bác Võ Đông Giang. Campuchia với sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam đã thoát khỏi họa diệt chủng của

Pon Pot (đầu tháng 1/1979), nhưng đất nước rơi vào tình trạng hoang tàn, đổ nát. Có lẽ vì thế chăng mà trở lại nước bạn lần này, Ngô Điền vẫn day dứt: “Những bóng đen lặng lẽ đi tìm cuộc sống/ Khăn gói, nồi niêu một thúng rách trên đầu/Từ cõi chết trở về, bà con hướng nơi đâu” (Bài thơ trở lại Phnompenh).

3/Địa bàn Phnom Penh nói riêng và Campuchia nói chung với ông Ngô Điền không còn xa lạ, bởi từ những năm 1956 - 1961, ông đã từng là đại diện của Việt Nam thông tấn xã tại mảnh đất có nhiều ngôi đền cổ kính mà tiêu biểu là Angkorwat và Angkorthom. Chỉ có điều lần này ông sang nước bạn với vai trò và trách nhiệm lớn hơn. Những bộn bề công việc cần xử lý giúp bạn sau thảm họa diệt chủng: Củng cố và xây dựng chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở; tổ chức lại hoạt động của các ngành, nghề; khôi phục và phát triển lĩnh vực ngân hàng-tiền tệ cho bạn; mở các lớp đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ chuyên môn, ngoại giao, báo chí... Đặc biệt việc chuẩn bị các hồ sơ, cứ liệu về tội ác diệt chủng của Pon Pot và bè lũ Khmer đỏ để đưa ra công luận quốc tế hồi những năm 80 đều do Đại sứ Ngô Điền và các cộng sự triển khai thực hiện.

Thỉnh thoảng ông còn viết các bài bình luận về quan hệ Việt Nam-Campuchia, vị thế của đất nước chùa tháp trong mối quan hệ khu vực và thế giới đăng trên các báo lớn trong nước mà không đề bút danh. Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Pháp, Algéria và Campuchia - người đã có nhiều năm gần gũi ông Ngô Điền cho rằng: Con người nho nhã, nhân hậu ấy đã có cả thảy 18 năm gắn bó, phụng sự, tận tụy với đất nước Campuchia cả trên bình diện ngoại giao và báo chí.