Nghịch lý “rác thực phẩm”

Khoảng một phần năm lượng thực phẩm được sản xuất trên thế giới bị vứt bỏ, trong khi hàng trăm triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Thông tin từ báo cáo mới nhất của LHQ tiếp tục gióng hồi chuông báo động về tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LUO JIE
Biếm họa: LUO JIE

Theo báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm, do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) phối hợp tổ chức phi lợi nhuận WRAP công bố cuối tháng 3 vừa qua, ước tính mỗi ngày thế giới vứt bỏ một tỷ bữa ăn. Riêng năm 2022, 1,05 tỷ tấn thực phẩm đã bị bỏ đi, tăng so con số 931 triệu tấn của năm trước.

Đáng nói, mức lãng phí trên bằng 20% tổng lượng thực phẩm có trên thị trường và số thực phẩm bị vứt bỏ trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Trong đó, lượng “rác thải thực phẩm” từ các cửa hàng bán lẻ thịt và rau củ chiếm 12%, từ các nhà hàng và khách sạn là 28%, nhiều nhất từ các gia đình là 60%, với khoảng 631 triệu tấn. Phát biểu ý kiến khi công bố báo cáo, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh: Hàng triệu người trên thế giới vẫn thiếu ăn trong khi thực phẩm bị bỏ đi hằng ngày. Lãng phí thực phẩm sẽ dẫn tới thảm kịch toàn cầu.

Những yếu tố như xung đột, các cú sốc kinh tế, hiện tượng khí hậu cực đoan và giá sinh hoạt tăng cao, kết hợp lại khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu gia tăng với quy mô chưa từng có. Số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WEF) cho thấy, 2023 là năm thứ năm liên tiếp thế giới chống chịu tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, với 783 triệu người rơi vào cảnh đói kinh niên. Trong đó, 333 triệu người mất an ninh lương thực mức độ nghiêm trọng, luôn trong tình cảnh không biết bữa ăn tiếp theo từ đâu. Con số này lớn hơn nhiều so mức gần 200 triệu người trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Năm 2015, các quốc gia đã nhất trí mục tiêu của LHQ xóa nạn đói vào năm 2030. Thế nhưng, 8 năm sau, số người đói trên thế giới vẫn tăng lên đáng kể. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ, trong thế giới sung túc, thật sự phẫn nộ khi cứ vài giây lại có một người chết đói.

Báo động về nghịch lý liên quan “rác thực phẩm”, UNEP kêu gọi thế giới không chỉ tiết kiệm, mà còn tăng cường phối hợp giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ nhằm giảm tình trạng lãng phí.