Cam kết và hành động

Hàng trăm người đã biểu tình ở thành phố Turin, miền bắc Italy cuối tuần trước. Chặn đường cao tốc và giương cao biểu ngữ phản đối, người biểu tình bày tỏ thất vọng về nỗ lực thực hiện cam kết của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), khiến thế hệ tương lai tổn thất vì khủng hoảng khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SONG CHEN
Biếm họa: SONG CHEN

Cuộc biểu tình diễn ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 được tổ chức ở Turin, do Italy chủ trì trên cương vị Chủ tịch G7 năm 2024. Đây là cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng G7 đầu tiên sau khi Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cuối năm ngoái, đạt thỏa thuận quan trọng về giảm dần và hướng tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Italy là một trong những “điểm nóng” về biến đổi khí hậu, dễ bị tổn thương trước nguy cơ cháy rừng, hạn hán và băng tan. Bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó tình trạng nước biển ấm lên là ưu tiên hàng đầu của Italy. Trong vai trò Chủ tịch G7, Italy muốn biến hội nghị tại Turin trở thành “mắt xích chiến lược” giữa COP28 với COP29, diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới.

Theo Viện Nghiên cứu chính sách khí hậu toàn cầu Climate Analytics, các nước G7 chiếm khoảng 38% tổng giá trị kinh tế toàn cầu và chịu trách nhiệm về 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2021. G7 đã đi đầu thúc đẩy đạt thỏa thuận tại COP28, theo đó cam kết tăng gấp đôi mức tiết kiệm nhiên liệu và tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tuy nhiên, trong báo cáo đưa ra trước thềm hội nghị ở Turin, Climate Analytics chỉ rõ không thành viên G7 nào “đi đúng hướng” để đạt được mục tiêu của COP28. Pháp thúc đẩy G7 loại bỏ than đá vào năm 2030, song Nhật Bản chưa nhất trí thời gian cụ thể. Mỹ vẫn cho phép các nhà máy sử dụng than giảm 90% lượng khí CO2 đến năm 2032. Là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất châu Âu, song Đức chưa sẵn sàng loại bỏ khí đốt. Italy cũng vậy...

Theo Climate Analytics, giữa cam kết và hành động của chính G7 vẫn còn khoảng cách, chứ chưa nói đến mong muốn G7 tận dụng tầm ảnh hưởng chính trị, sự giàu có và công nghệ để thúc đẩy tiến trình hướng tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.