Chìa khóa cạnh tranh

Trong bài viết mới đây, trang Arab News nhận định: Dựa trên lượng thông tin trên truyền thông, nhiều người tin rằng, xung đột ở Ukraine là thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt. Tuy nhiên, vấn đề dài hạn và nghiêm trọng hơn lại là khả năng cạnh tranh kinh tế của châu Âu suy giảm đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHENXIA
Biếm họa: CHENXIA

Bài viết dẫn chứng: Năm 2008, nền kinh tế EU được định giá 16,2 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 14,7 nghìn tỷ USD của nền kinh tế Mỹ. Đến năm 2023, kinh tế Mỹ lên hơn 25 nghìn tỷ USD, trong khi giá trị tổng hợp cả kinh tế EU và Anh mới chỉ đạt khoảng 20 nghìn tỷ USD.

Giám đốc điều hành Christian Ulbrich của JLL, một công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu nhận xét: Sự giàu có của châu Âu đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho đây là “cuộc khủng hoảng mang tính cấu trúc”.

Cũng có nhận định thách thức ít nghiêm trọng hơn. Song, theo tác giả bài viết trên Arab News, chuyên gia Andrew Hammond (Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London), điều rõ ràng là châu Âu đang tụt lại phía sau, nếu nhìn vào danh sách các công ty công nghệ và các trường đại học hàng đầu thế giới, hay năng lực sản xuất chất bán dẫn.

Trong khi đó, nội bộ EU không thống nhất đánh giá về thách thức với khả năng cạnh tranh của khối. Các thành viên có những mục tiêu ưu tiên khác nhau, với một danh sách dài các vấn đề, từ năng suất lao động, mức độ đầu tư, hiệu quả sử dụng công nghệ kỹ thuật số... Bối cảnh bên ngoài ngày càng ít thuận lợi, trong khi những cú sốc kinh tế tiếp theo không thể loại trừ.

Cựu Giám đốc ECB Mario Draghi chỉ rõ: Ba trụ cột chính mà châu Âu từ lâu dựa vào gồm năng lượng của Nga, xuất khẩu của Trung Quốc và “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Tất cả đều đang thay đổi vì những lý do khác nhau. Vì thế, EU cần có hành động quyết đoán, từ cắt giảm giá năng lượng đến giảm gánh nặng pháp lý và đặc biệt cần đầu tư lớn vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Châu Âu đang ở thời điểm quan trọng. Ông Draghi nhấn mạnh, “chuyển đổi kép” là chìa khóa để khôi phục sức cạnh tranh của EU. Điều cấp bách là đạt đồng thuận chính trị rộng rãi về một gói cải cách táo bạo và nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện.