Bài toán “trụ hạng”

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây công bố Báo cáo triển vọng toàn cầu cho hay, Pháp có nguy cơ bị “văng” ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới do tăng trưởng kinh tế chậm.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SIMON REGIS
Biếm họa: SIMON REGIS

IMF dự kiến tỷ trọng của Pháp trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ giảm xuống 1,98% vào năm 2029, so mức 2,2% được các nhà phân tích IMF ghi nhận vào năm 2023. Dự báo mới nhất của IMF cũng cho thấy thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ duy trì ở mức hơn 4% cho đến năm 2029, với nợ công dự kiến sẽ vượt quá 115% GDP. Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cảnh báo, kinh tế Pháp sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là về sức mua, nhu cầu tiêu dùng của người dân, sự cạnh tranh từ Trung Quốc… sau đại dịch Covid-19, hay áp lực phải tăng giá các sản phẩm công nghiệp, xây dựng và dịch vụ do giá năng lượng tăng cao.

Theo cơ sở dữ liệu được IMF cập nhật vào đầu tháng 4 vừa qua, Anh - quốc gia có tỷ trọng GDP toàn cầu trên cơ sở PPP vào năm 2029 dự kiến ​​sẽ chiếm 2,2% - sẽ được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán sẽ chiếm vị trí thứ 9 với mức 2,29% trong 5 năm tới. 5 quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là Trung Quốc, dự kiến chiếm 19,48% GDP thế giới đến năm 2029, Mỹ (14,72%), Ấn Độ (9,23%), Nhật Bản (3,21%) và Indonesia (2,79%). Tốp 10 dự kiến cũng sẽ bao gồm Đức (2,77%), Nga (2,71%) và Brazil (2,19%).

Vừa qua, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2024, kết luận rằng nền kinh tế thế giới đã chứng tỏ “khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên”. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 3,2% trong năm 2024, tăng khiêm tốn 0,1 điểm phần trăm so dự báo trước đó. Năm 2025, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng ở mức tương tự là 3,2%.

Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo, kinh tế nước này cả năm 2023 chỉ tăng nhẹ 0,3%, thấp hơn các dự báo của IMF là 0,7% và của Chính phủ Pháp là 1%. Đây chỉ là dự báo ngắn hạn và về lâu dài, nếu muốn trụ lại trong tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Pháp cần có những điều chỉnh kinh tế vĩ mô nhằm thích ứng những biến động địa-chính trị toàn cầu đang ngày càng lan rộng.