Bước lùi của quan hệ đối tác

Giới quan sát ở khu vực Sahel châu Phi vẫn chưa hết ngạc nhiên về thông báo của chính quyền quân sự ở Niger đột ngột chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ, toàn bộ số binh sĩ Mỹ còn lại ngay lập tức phải rời Niger.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SIMON REGIS
Biếm họa: SIMON REGIS

Phát biểu ý kiến trên truyền hình quốc gia, ông Abdramane nêu rõ, chính quyền Niger quyết định thu hồi ngay lập tức thỏa thuận cho phép quân nhân và nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ hiện diện tại Niger. Thỏa thuận này chẳng những không đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của người dân Niger, mà còn mang tính áp đặt, vi phạm các quy tắc dân chủ và Hiến pháp Niger.

Điều đáng nói, tuyên bố của chính quyền Niger được đưa ra ngay sau chuyến thăm Niger của phái đoàn quan chức cấp cao các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ. Trong chuyến thăm, hai bên thảo luận về tiến trình chuyển đổi ở Niger, cũng như quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự và chống khủng bố.

Đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ, thỏa thuận quân sự Mỹ - Niger tạo thuận lợi cho sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ, thông qua các căn cứ không quân ở Thủ đô Niamey của Niger và khu vực lân cận. Các cơ sở này được Mỹ sử dụng rất hiệu quả trong hoạt động giám sát bằng máy bay không người lái, chống các nhóm vũ trang và khủng bố ở khu vực Sahel rộng lớn.

Vai trò của Niger càng quan trọng sau khi Mali và Burkina Faso buộc lực lượng chống khủng bố của Pháp rời đi. Theo chuyên gia Abigail Kabandula, thuộc Đại học Denver (Mỹ), Niger là “đồng minh cuối cùng” của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố tại vành đai Sahel. Các căn cứ của Mỹ ở Niger là “pháo đài cuối cùng” trong hoạt động chống khủng bố ở khu vực.

Giới quan sát lo ngại việc binh sĩ Mỹ bị “trục xuất” khỏi Niger giáng thêm đòn mạnh vào nỗ lực chống khủng bố, kéo theo hậu quả an ninh nghiêm trọng cho các quốc gia Sahel, cũng như toàn bộ khu vực châu Phi cận Sahara rộng lớn.

Không chỉ là bước thụt lùi trong quan hệ đối tác Mỹ-Niger, quyết định của chính quyền quân sự Niger còn có thể làm suy giảm nỗ lực của Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực khôi phục vị thế của Mỹ ở châu Phi, vốn chạm đáy dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại “lục địa đen”, Mỹ vẫn phải đương đầu với nhiều đối thủ mạnh.