Nghĩ bên giá sách của con

Mấy năm ở tập thể của trường, vợ chồng tôi gắng mua được căn nhà cũ làm chốn an cư.
0:00 / 0:00
0:00

Căn phòng riêng của con khá hẹp, vừa đủ kê giường, tủ quần áo và đặt một giá sách nhỏ bằng nhựa. Không gian ấy càng chật hơn khi con lớn, bởi đồ dùng, sách vở cứ nhiều thêm. Muốn mở rộng thêm nhưng vì khó khăn nên cứ tính tới tính lui, rồi lại thôi. Thấm thoát mà nay con đã vào TP Hồ Chí Minh học tập. Ở nhà, tôi thường vào phòng quét dọn và nhìn giá sách của con mà miên man nghĩ ngợi…

Từ nhỏ, con đã gần gũi với sách nhờ có ba, má theo nghề giáo. Tôi mua sách Tiếng Việt khi con chưa vào lớp 1, để con xem tranh mà nhận diện đồ vật, con vật, rồi làm quen với chữ cái. Khi con biết đọc, biết viết, tôi mua thêm các loại truyện tranh. Thấy con cũng thích sách nên tôi vui và thường nhắc về tầm quan trọng của sách, cách chọn sách sao cho phù hợp. Khi con lớn hơn, tôi để con chủ động trong việc học, việc đọc và tự mua những quyển sách yêu thích.

Nay nhìn những quyển sách nhỏ được xếp ngay ngắn, tôi như thấy lại tuổi thơ của con. Ngoài sách giáo khoa còn có “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Góc sân và khoảng trời”, các bộ “Thần đồng Đất Việt”, “Thám tử lừng danh”, “Harry Potter”, sách tục ngữ, ca dao, vài cuốn từ điển nhỏ. Con yêu thích các môn học tự nhiên nên có nhiều sách Toán, Lý, Hóa. Nhưng tôi bất ngờ là thấy khá nhiều sách Văn học, Lịch sử, Địa lý. Có quyển tôi nghe rất lâu rồi nhưng nay mới được trực tiếp cầm, như: “Rừng Na Uy”, “Tội ác và trừng phạt”, “Nanh trắng”, “Đắc nhân tâm”…

Tôi ngạc nhiên nhất, đến mức độ run run là quyển sách: “Đọc hồi ký các tướng tá Sài Gòn” (Mai Nguyễn, NXB Trẻ, 2003). Đây là hồi ký xuất bản ở nước ngoài, được NXB Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, bìa sách có ghi rõ: Tư liệu Báo Thanh Niên. Tôi đọc một mạch và cuốn sách đã giúp tôi hiểu thêm những góc khuất, âm mưu, sai lầm, hoang mang đi đến thất bại hoàn toàn của chính quyền và quân đội Sài Gòn trước 30/4/1975.

Nghĩ lại, tôi hơi day dứt thương con, bởi đôi lúc có la rầy chuyện tốn tiền mua nhiều sách khi mình còn túng thiếu, đọc nhiều quá sẽ bê trễ việc học, hoặc đau mắt… Vì sợ tôi la nên con tiết kiệm, âm thầm dành dụm mua sách. Điều trăn trở nữa là tôi ao ước có một căn phòng rộng, nhiều ánh sáng với kệ sách lớn cho con mà chưa làm được. Điều tôi rất vui là những quyển sách của con đều có nội dung tốt, sắp xếp gọn gàng, bảo quản cẩn thận. Sách là bạn, là thầy, biết trân quý sách thì mừng lắm. Tôi cũng học ở con cách nín nhịn, để dành tiền mua sách cần thiết. Sở hữu một quyển sách hay như có thêm một người bạn tốt!

Tôi bỗng nhớ những câu văn của tác giả Nguyễn Quang Thiều: “Không có sự im lặng trong thế gian này. Nếu có một nơi nào đó thật sự im lặng thì chỉ có lòng người mà thôi. Mọi cái cây, mọi dòng sông, mọi đám mây, mọi đồ vật đều cất tiếng. Nhưng chúng ta không hề nghe được bởi hai lý do: chúng ta không tin những đồ vật ấy có tiếng nói và chúng ta không có khả năng nghe được”. Tôi tin những cuốn sách trên kệ đang kể chuyện bản thân, về cơ duyên được ở bên nhau, những vui buồn, hờn dỗi, hoặc có khi là nỗi nhớ cậu chủ. Tôi lau bụi, lật từng cuốn sách và nghe vọng ra tiếng rì rầm của con suối, dòng sông, đồng cỏ, khu vườn; nghe trong thăm thẳm nỗi buồn vẫn có âm thanh của tiếng đàn, qua giông bão mùa đông sẽ có ánh trăng xuân soi chiếu. Tôi chụp tấm ảnh giá sách gửi cho con trai và nhắn: ba đang chuyện trò với sách của con!