Đại Lải từ một lần đến

Những văn nghệ sĩ miền sông Thương đến nhà sáng tác văn học nghệ thuật Đại Lải, ngổn ngang sơn, giá vẽ, lỉnh kỉnh máy ảnh, đàn, nhạc, máy tính, gọn hơn là cuốn số ghi chép và cây bút…
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng tất cả đều giống nhau ở ngồn ngộn ý tưởng sáng tạo. Đại Lải đón chúng tôi những ngày đầu tháng 6, ban mai tinh khiết, hương của loài hoa nào cứ thoang thoảng thơm, tiếng chim khi ngơ ngác, khi rụt rè giấu sau vòm lá, làn gió nhẹ mang đến hơi nước mát lành từ mặt hồ.

Tôi thơ thẩn đi dưới vòm xanh. Tĩnh mịch quá! Dường như cảm nhận được cả tiếng mầm cây đang cựa mình nhú ra từ xù xì lớp vỏ thân mẹ. Bạn bè với chúng tôi nơi đây chỉ có cây. Cây thì ở nơi đâu cũng hiền lành, mộc mạc và chân thật. Cây kể chúng tôi nghe ký ức một thời nơi đây với hơn bốn mươi năm bề dày văn hóa, nơi chắp cánh cho bao tác phẩm bay xa, bay cao.

Nhiều cây gắn liền với tên tuổi các văn nghệ sĩ cả nước về đây dự trại sáng tác và trồng làm kỷ niệm. Đây cây đại được cán bộ, công nhân viên Đại Lải trồng năm 1979, khi nhà sáng tác mới ra đời. Kia cây sấu quả sai súc sỉu do nhà văn quân đội Dương Duy Ngữ trồng năm 2006. Bước chân tôi đến với cây ngọc lan được các bạn văn nghệ sĩ nước Lào trồng năm 2005, hoa khoe sắc, dìu dịu hương, hoa thơm như mối tình Việt Lào sâu đậm. Tôi ngỡ ngàng trước cây lộc vừng, do tác giả Bằng Thái cùng chi hội sân khấu phía bắc trồng năm 2009. Lộc của cây hay “lộc” của các tác giả sân khấu. Và còn đây những cây của lớp sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội trồng năm 2012, và còn nhiều, nhiều nữa. Đi đến đâu, chúng tôi đều gặp những dấu ấn, những kỷ niệm một thời xanh cùng năm tháng.

Từ nhà sáng tác này, những ai đã thành danh? Còn những ai “Nửa đường đứt gánh”? Đường sáng tạo vốn đã không bằng phẳng mà cuộc đời còn nhiều niềm say mê khác, nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền khác. Nhưng những ngày ngắn ngủi ở Đại Lải cho chúng tôi nguồn cảm xúc thăng hoa và cao hơn là tình người, tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng.

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.

Tôi nhẩm đọc hai câu thơ trong một chiều Đại Lải. Chợt một trái thông rơi xuống trước mặt. Nâng trái thông trên tay tôi ngẫm ngợi. Chắc gì trái thông này đã sống được nơi phố thị. Chẳng nỡ mang đi khỏi đất này. Biết đâu năm tháng còn gặp lại. Cái hạt giờ đã hóa thành cây. Trả lại với bạn bè để cây với cây góp thành bát ngát mênh mông, thành hùng vĩ, thành vẻ đẹp đơn sơ mà mê hoặc của một vùng “bán sơn địa”. Một vẻ đẹp rất riêng của Đại Lải.