Cái tên gợi nhớ chiếc áo tơi Văn Nội

Làng Văn Nội là một số tổ dân phố của phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Nghề có từ rất sớm và rất đông người Văn Nội cùng làm.
0:00 / 0:00
0:00

Đến thời Pháp thuộc thì trước cổng chính vào làng Văn Nội có biển ghi bằng tiếng Pháp “Village de manteau”, dịch nghĩa là Làng làm Măng-tô. Người Pháp gọi áo tơi của làng Văn Nội là áo Măng-tô, nên viết tên làng như vậy. Áo tơi và sau này cả nón lá do làng Văn Nội làm ra đã là hàng hóa có thị phần đáng kể trong khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Gần thì gánh, xa hơn thì dùng xe thồ, thậm chí hàng chuyến ô-tô và cả toa tàu áo tơi lá của làng Văn Nội chở đi cung cấp cho các vùng miền.

Một trăm phần trăm vật liệu làm ra áo tơi là lá nón, nứa, móc, lá đa. Áo tơi hình thang cân, chiều dài khoảng trên 1 m, chiều rộng khoảng gần 1 m. Áo tơi dùng quàng qua vai, che lấy lưng và thân người. Quàng áo tơi không chỉ che mưa, nắng mà còn giúp con người chống rét về mùa đông, mát vào mùa hè.

Áo tơi thật thân thuộc, gắn bó sâu nặng với người nông dân trong chặng dài của lịch sử. Người người, nhà nhà ở Văn Nội làm áo tơi. Áo tơi làm ra được bó thành từng bó và mang bán tại các chợ trong vùng. Thời kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Ngợi tham gia hoạt động bí mật, đã giấu truyền đơn mang ra chợ Đơ (chợ Hà Đông) tuyên truyền. Khi địch khám, phát hiện truyền đơn và cả thuốc tây mang cho du kích. Bà Ngợi bị bắt giam tại A Tê Hà Đông và bà chính là liệt sĩ nữ duy nhất thời kháng chiến chống Pháp của làng Văn Nội.

Người lớn làm áo tơi và truyền dạy trực tiếp cho con cháu trong nhà. Nghề làm áo tơi ở Văn Nội tuy không rõ có từ bao giờ, nhưng thời điểm kết thúc rồi đi đến xóa sổ nghề này thì có dấu mốc. Đó là vào những năm cuối thế kỷ XX, khi khoa học kỹ thuật phát triển, áo che mưa bằng nylon được phổ biến thì người sử dụng áo tơi thưa dần. Tuy vậy, nghề làm áo tơi chưa mất hẳn. Đó là khoảng những năm 1980, Nhà nước giao chỉ tiêu may “áo tơi” cho làng Văn Nội dùng vào việc ủ lá, sợi thuốc lá và chè khô. Như thế, chiếc áo tơi của làng Văn Nội chuyển thành một tấm “thảm” may bằng lá, không có cổ áo (tràng), dùng vào việc lót các sọt tre, thùng gỗ, gian nhà để ủ thuốc lá và trà (chè). Hằng tuần những xe ô-tô lại về làng Văn Nội chở “áo tơi” cung cấp cho Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy chè Việt Yên sử dụng. Kết thúc của nghề làm áo tơi, ngành văn hóa tỉnh Hà Tây (trước kia) đã mang khung, vật liệu và áo tơi của làng Văn Nội lưu giữ tại Bảo tàng Làng nghề Việt Nam.

Nay tuy không phổ biến, nhưng còn có địa phương duy trì việc làm áo tơi lá. Tuy nhiên cách thức làm áo tơi lại không giống như áo tơi của làng Văn Nội. Áo tơi của Văn Nội khi may có khung dựng, đường may đều và chặt. Từ cổ áo, chân áo, mép áo… rất chắc chắn. Nhất là lớp lá dài phủ từ cổ áo xuống ngang lưng áo vừa đẹp vừa tạo thêm lớp che phủ cho người mặc. Trong khi một địa phương làm áo tơi lá hiện nay lại không dùng khung. Họ đặt ngay vật liệu trên nền nhà hoặc sân phẳng để tạo tác ra chiếc áo tơi lá. Mới thấy áo tơi của làng Văn Nội làm ra khi xưa có đặc điểm riêng, vừa bền, vừa đẹp.

Chiếc áo tơi, nghề làm áo tơi có chăng chỉ còn trong ký ức của những người sinh khoảng 1965 về trước ở làng Văn Nội. Cái tên “Village de manteau” - Làng Măng-tô chứa đựng trang quá khứ đẹp đẽ và thân thương của làng.