Nghề thắp đèn đường truyền thống

Theo Irish Times, những người thắp đèn đường đang “giữ lửa” cho một truyền thống độc đáo tại thành phố Thủ đô Dublin của CH Ireland. Thắp đèn đường là một trong những nghề lâu đời, độc đáo và lạ mắt nhất trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Flanagan đang bảo trì một cột đèn đường khí đốt. Ảnh: IRISH TIMES
Ông Flanagan đang bảo trì một cột đèn đường khí đốt. Ảnh: IRISH TIMES

Trong suốt thế kỷ 19, khi đèn đường khí đốt vẫn phổ biến trong thời kỳ tiền Edison, nghề thắp đèn từng là một công việc mang lại thu nhập cao và được coi trọng. Người đốt đèn được giao nhiệm vụ thắp sáng các ngọn đèn đường quanh thị trấn vào lúc hoàng hôn, rồi dập tắt chúng vào khi bình minh tới. Không giống như ánh sáng chói gắt của đèn đường hiện nay, đèn đường cổ tạo ra loại ánh sáng ấm áp và dịu nhẹ, gợi nhắc một thời đại đã qua.

Hai anh em nhà Flanagan là Jim (78 tuổi) và Frank (91 tuổi) là những người thắp đèn thế hệ thứ tư, với công việc chủ yếu diễn ra tại Công viên Phoenix (Dublin). Truyền thống gia đình được bắt đầu khi ông cố của họ là Nicholas Flanagan bắt đầu hành nghề thắp đèn cùng những anh em của mình vào năm 1890. Mặc dù cho đến năm 1957, thành phố Dublin đã có điện nhưng hệ thống đèn chiếu sáng bằng khí đốt vẫn được duy trì ở Công viên Phoenix. Mức độ chiếu sáng thấp của đèn đường cổ giúp giảm ô nhiễm ánh sáng và bảo vệ các loài động vật sống về đêm của công viên, gồm một đàn nai hoang dã.

“Khi cha tôi nghỉ hưu vào năm 1984, những người ở Văn phòng công cộng (OPW) đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục bảo dưỡng đèn như một truyền thống gia đình. Chúng tôi nhận lời và đã học được từ cha cách thức vận hành của đèn và những việc phải làm”, ông Frank chia sẻ. Trong nhiều năm sau đó, hai anh em nhà Flanagan đã trông coi những ngọn đèn chiếu sáng qua nhiều sự kiện trong khu vực.

Hằng ngày, ông Jim trèo lên chiếc thang được dựa vào từng cột đèn bằng sự nhanh nhẹn khó thể thấy được ở một người đã đứng tuổi. Mặc trên người chiếc áo vest phản quang mầu vàng có in chữ “OPW”, ông mở lồng đèn được làm bằng thủy tinh, thay lớp lưới lụa bao bọc mồi sáng và lau sạch phần tạo mồi lửa. Sau đó, ông lên dây cót nhiều vòng một cách thủ công để hẹn giờ cho chiếc đèn.

Tuy là công việc độc nhất và cũng khá lãng mạn, nghề đốt đèn cũng có mặt trái của nó. Anh em nhà Flanagan được yêu cầu phải luôn sẵn sàng cho việc bảo trì đèn 24/7, họ cũng làm việc vào cuối tuần và đêm muộn. Phải mất tới năm người trong ba ngày để kịp thời bảo dưỡng tất cả các đèn khí đốt trong công viên, bao gồm cả việc đặt đồng hồ. May thay, Jim và Frank đã nhận được sự giúp đỡ từ gia đình. Các cháu trai của họ là Matthew Flanagan và Connor Clarke, cùng con rể của Jim và con rể của Frank đều làm công việc đốt đèn bán thời gian.

Ngày nay, chỉ một số thành phố ở châu Âu như London (Anh), Prague (Czech) và Berlin (Đức) vẫn còn sử dụng đèn đường bằng khí đốt thắp sáng cho một số khu vực. Ông Jim cho biết, OPW tại thành phố Dublin không có kế hoạch thay thế đèn đường tại Công viên Phoenix thành đèn điện. Nhưng trong tương lai, ông và gia đình mong rằng sẽ có bộ cảm biến ánh sáng sẽ thay thế đồng hồ, loại bỏ công việc lên dây cót thủ công. “Ngay khi trời tối, một cảm biến ánh sáng sẽ nhận thấy và điều khiển bộ phận đánh lửa thắp sáng đèn. Vào buổi sáng, bộ phận cảm biến sẽ nhận được ánh sáng tự nhiên và tự động dập tắt lửa”, ông nói. Dù vậy, đến khi đó, những chiếc đèn đường cổ vẫn sẽ cần được bảo trì và anh em họ vẫn sẽ tiếp tục túc trực hằng đêm trong công viên, bảo đảm tất cả đèn đường có thể hoạt động một cách tốt nhất.

Hai anh em nhà Flanagan không có kế hoạch nghỉ hưu trong tương lai gần, họ hy vọng có thể tận dụng thời gian dạy lại công việc truyền thống này cho các thành viên trẻ trong gia đình. Trước mắt, gia đình không lo lắng việc công nghệ sau này có thể sẽ thay thế vai trò của mình, họ chỉ tập trung cho hiện tại và tận hưởng công việc yêu thích tại công viên này. Ông Jim chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở đây mỗi ngày và với tôi đây là công việc tốt nhất”.