Nghề rèn truyền thống của Nhật Bản

Tại Seki, thành phố từng nổi tiếng với nghề rèn kiếm samurai của Nhật Bản, những người thợ thủ công đang thoăn thoắt mài và đánh bóng những con dao nhà bếp. Nhưng ngay cả khi dốc toàn lực, xưởng của họ cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bên trong một xưởng sản xuất dao tại Seki. Ảnh: AFP
Bên trong một xưởng sản xuất dao tại Seki. Ảnh: AFP

Theo AFP, giá trị xuất khẩu của dao và các dụng cụ có lưỡi khác như kéo đã đạt mức cao kỷ lục ở Nhật Bản vào năm ngoái, một phần nhờ vào sự bùng nổ nấu ăn tại nhà do đại dịch gây ra. Dao Nhật Bản cũng đang được các đầu bếp chuyên nghiệp, những người đánh giá cao độ chính xác tinh tế, kiểu dáng đẹp và tuổi thọ cao ưa chuộng.

Katsumi Sumikama, người đứng đầu nhà máy sản xuất dao truyền thống Nhật Bản Sumikama Cutlery ở trung tâm thành phố Seki cho rằng, dao Nhật Bản nổi tiếng là do “sự kết hợp giữa tiến bộ công nghệ và nghề thủ công truyền thống”. “Nhưng ngay cả khi hoạt động hết công suất, chúng tôi cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu của thế giới. Chúng tôi đang thấy nhu cầu mạnh hơn mức trước đại dịch ở tất cả các quốc gia”, ông Sumikama chia sẻ.

Nhờ môi trường tự nhiên phong phú, từ thế kỷ 14, Seki đã trở thành thủ phủ rèn kiếm cho các samurai. “Nước sạch, than củi và nguyên liệu thô tại Seki là những thứ lý tưởng để rèn kiếm”, ông Sumikama nói. Tuy nhiên, khi các samurai được lệnh hạn chế sử dụng kiếm vào năm 1876, ngành công nghiệp này đã chững lại. Phải tới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thành phố bắt đầu sản xuất các loại dao với mục đích xuất khẩu.

Ban đầu, hoạt động kinh doanh bùng nổ. Dù vậy, khi Trung Quốc bắt đầu sản xuất các sản phẩm rẻ hơn, Nhật Bản không còn cạnh tranh được nữa. Thời điểm khó khăn khiến những người chế tạo dao của Seki quyết định từ bỏ công việc truyền thống này. Khi đó, các sản phẩm của Đức như loại dao mang nhãn hiệu Zwilling đã thống trị thị trường dao nhà bếp cao cấp, khiến các sản phẩm xa xỉ của Nhật Bản trở nên hiếm hoi dần.

Nhằm bảo tồn và phát huy nghề chế tạo dao truyền thống, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông Sumikama đã tung ra thị trường những dòng dao nhà bếp hàng đầu có giá lên tới vài trăm USD mỗi chiếc. Để nhấn mạnh nguồn gốc sản xuất tại Nhật Bản, công ty của ông đã chế tạo những đường lượn sóng trên mặt dao, giống vẻ ngoài của những lưỡi kiếm samurai và khắc lên trên một biểu tượng ký tự kanji đặc trưng của Nhật Bản.

Ông Sumikara cho biết, từng đối mặt với sự hoài nghi về khả năng tiêu thụ dòng dao này từ cả nhân viên đến những người trong nghề. “Chúng tôi bị mắc kẹt trong suy nghĩ rằng, các sản phẩm của Nhật Bản sẽ không được người tiêu dùng chấp nhận trừ khi chúng rẻ hơn các sản phẩm của Đức”. Nhưng thực tế cho thấy, ông Sumikara đã thành công.

Hiện những con dao xa xỉ của ông đang được bán tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Nhật Bản cung cấp, giá trị xuất khẩu của dụng cụ nhà bếp có lưỡi đạt mức kỷ lục 12 tỷ yên (90 triệu USD) vào năm 2021, tăng 30% so khoảng 9 tỷ yên của năm trước.

Đầu bếp người Pháp Olivier Oddos, chủ nhà hàng ở Tokyo từng được trao sao Michelin danh giá từ năm 2014 đến năm 2021, là một tín đồ của dòng dao sản xuất tại Seki trong hơn hai thập kỷ. Chia sẻ với AFP, ông Oddos cho biết, những con dao làm bếp của Nhật Bản giờ đây đã có danh tiếng thật sự trên toàn thế giới, khi đã làm thay đổi chất lượng nấu nướng.

Dao Nhật Bản phải được bảo dưỡng thường xuyên bằng đá mài, nhưng nếu bạn chăm sóc chúng tốt, chúng sẽ có tuổi thọ khá đặc biệt. Tôi biết nhiều đầu bếp người Pháp đến Nhật Bản, lần nào họ cũng mua dao Nhật”, ông Oddos nhấn mạnh.

Ông Daisuke Kumazawa sở hữu một cửa hàng đã hoạt động trên con phố đồ dùng nhà bếp Kappabashi nổi tiếng của Thủ đô Tokyo trong hơn một thế kỷ. Ông cho biết, dao Nhật Bản đã trở nên phổ biến ở nước ngoài trong thập kỷ qua cùng với sự quan tâm ngày càng tăng đối với thực phẩm Nhật Bản. Dù vậy, ông Kumazawa muốn người mua nghĩ về dao Nhật Bản nhiều hơn là một dụng cụ nhà bếp đơn giản. “Chúng tôi muốn họ biết, tại sao chúng tốt, muốn họ hiểu hơn về cả những giá trị văn hóa cũng như suy nghĩ của những người thợ thủ công đằng sau những con dao này”, ông chia sẻ.