Ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, mà dần dần thành nhà nước đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00

Kỳ 2: Đổi mới việc công khai và tuyên truyền

Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ, công chức và các cơ quan đều là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tham nhũng, “lợi ích nhóm”, đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu một xã hội tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực mà cốt lõi là ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, vừa là để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính. Hơn nữa, thực tế cho thấy, hầu hết mọi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng đều có nguyên nhân xuất phát từ sự tha hóa quyền lực ở các mức độ, cấp độ, các biến thể, biến thái khác nhau, đa số các vụ án khởi tố bị can là cán bộ, công chức vừa qua đều liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Vì vậy, phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực, mà trọng tâm là phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Giải pháp thứ nhất là, đổi mới việc công khai và tuyên truyền rộng rãi về tính chất nguy hại của sự tha hóa quyền lực nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần thiết phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy hại, hậu quả của sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rằng sự tha hóa quyền lực làm “méo mó” quyền lực, mất lòng tin vào Đảng, chế độ, gây bất bình trong xã hội, làm tổn hại nền kinh tế đất nước và làm “nghèo nhân dân”. Chỉ tính hành vi lợi dụng quyền lực để trục lợi (tham nhũng), ngân sách nhà nước đã mất đi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, nếu không có tham nhũng chắc chắn lương của cán bộ, công nhân viên sẽ khá hơn, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội sẽ nhiều hơn, tốt hơn và đời sống người dân sẽ đỡ khó khăn hơn. Sẽ không còn những “công trình thành tích”, “công trình hình tượng”, “công trình phù phiếm”, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Mục đích của giải pháp này là làm cho mọi người căm ghét những hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực từ đó có ý thức phát hiện, phản ánh và tố cáo những người có biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực bằng nhiều cách thức khác nhau.

Muốn nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và xã hội về tác hại của sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, trước hết cần công khai trên công luận những vụ việc tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực lớn, bao gồm cả thủ đoạn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, những người dính líu, tài sản mà nhóm lợi ích đã chiếm đoạt để nhân dân thấy rõ tính chất nguy hại của sự tha hóa quyền lực mà tham nhũng chỉ là kết quả của một hành vi tha hóa quyền lực (lợi dụng quyền lực) mà hậu quả của nó đã đặc biệt nghiêm trọng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức thích hợp, thiết thực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong việc đấu tranh và phản ánh những dấu hiệu tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu… là cảnh báo và răn đe trực tiếp đối với những cá nhân đã có hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực chưa bị phát hiện, đồng thời cũng răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh đối với những cá nhân đang toan tính lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực. Các biện pháp trên chính là khai thác sức mạnh của dư luận xã hội, công luận, là sự vận động đông đảo quần chúng tham gia vào ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực.

Cùng với việc nhận thức đúng về tác hại của sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo việc công khai, tuyên truyền về những vụ việc, vụ án tha hóa quyền lực, tham nhũng lớn để vừa bảo đảm về xã hội đúng định hướng, vừa phản bác lại các quan điểm thù địch luôn cho rằng, Đảng ta không thể ngăn chặn, đẩy lùi được tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực đi liền với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính là sự thống nhất xã hội về mặt chính trị, pháp luật, tinh thần và về đạo đức. Để làm được việc đó, phải hướng toàn bộ sức mạnh nhân dân vào kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, tức là biến vấn đề ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành vấn đề của đời sống xã hội. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình để sắp đặt chương trình hành động xã hội nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó quan trọng nhất là làm cho năng lực của mỗi một người phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và xu thế của thời đại mới. Đây là một nhiệm vụ căn bản và lâu dài: thứ nhất, Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân hiện thực hóa quyền lực của mình trong đời sống xã hội; thứ hai là giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…

Việc nâng cao nhận thức về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những nội dung liên quan đến văn hóa chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội. Do đó, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải tuân thủ nguyên tắc, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội và mục đích, yêu cầu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đặc biệt là định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, bản lĩnh và uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ngang tầm nhiệm vụ. Muốn vậy, phải triệt tiêu được tình trạng chạy chức, chạy quyền, vì những người bỏ tiền mua chức là những người mà năng lực, đạo đức không tương xứng với vị trí công việc, họ chạy chức chỉ nhằm có danh, lợi nên họ phải tìm mọi cách, bằng mọi giá để “lấy lại vốn” và khi đó tham nhũng, tiêu cực sẽ gia tăng theo số lượng người chạy chức, chạy quyền.

(Còn nữa)