Kỳ 1: Để quyền lực luôn đúng vị trí
Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để quyền lực luôn thuộc về đúng vị trí chủ nhân của nó, được sử dụng đúng mục đích, không bị tha hóa - lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực…
1/Ngay từ thế kỷ XVIII, nhà triết học người Anh là John Emerich Acton (1834-1902) đã khẳng định: Quyền lực càng cao, càng tuyệt đối, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tha hóa tương đối. Thực tế đã chứng minh những người có chức, có quyền rất dễ lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng, thao túng, thâu tóm quyền lực… để trục lợi hoặc hãm hại người khác. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trên Báo Cứu quốc ra ngày 12/10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án tệ nạn tha hóa quyền lực như ngông nghênh, cậy thế cậy quyền “Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”.
2/Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng nói chung, đối với kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng… Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước được quan tâm, nâng cao chất lượng, sát thực tiễn và khả thi, từng bước hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực, không thể tham nhũng.
Chỉ tính từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Trung ương đã ban hành gần 280 nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Trong đó có những văn bản trực tiếp đến kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, như: Kết luận số 21-KL/TW (25/5/2012) của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về tiếp thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quyết định số 162-QĐ/TW (01/02/2013) về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đến tháng 6/2022 các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập; Chỉ thị số 33-CT/TW (03/01/2014) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW (07/12/2015) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW (26/12/2016) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW (10/01/2019) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kết luận số 05-KL/TW (02/6/2021) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 12-KL/TW (06/4/2022) của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đặc biệt, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII đã nhấn mạnh tính cấp bách phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực và lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW (23/9/2019) về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, từ năm 2011 đến nay Quốc hội đã ban hành gần 170 luật, bộ luật, trên 10 pháp lệnh, gần 140 nghị quyết và Chính phủ đã ban hành gần 1.500 nghị định, trong đó có những văn bản trực tiếp về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Việc kiểm soát quyền lực, việc phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng điển hình như các vụ việc ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á,… có nền nếp, chặt chẽ, hiệu quả rõ rệt, bước đầu thực hiện được việc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, thể hiện rõ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai, thu hồi tài sản do tham nhũng đã tăng dần qua các năm từ dưới 10% trước năm 2011 đến nay đã tăng lên trên 46%. Tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, thuyên giảm, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
3/Tuy nhiên, “công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn bất cập; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; việc kiểm soát tài sản, thu nhập chưa chặt chẽ, hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng, chống, lãng phí chưa được chú trọng đúng mức; quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra lãng phí chưa đầy đủ, đồng bộ. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (1) .
4/Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để duy trì trật tự - ổn định xã hội, tập hợp lực lượng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp nếu như quyền lực ấy được trao cho những người có “tâm”, có “tầm”. Mặt tiêu cực, nó luôn có xu hướng làm tha hóa những người được trao và thực thi quyền lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần trở nên hư hỏng, tha hóa, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích thấp hèn của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, một lần được bổ nhiệm thay đổi vị trí công tác,… họ gần như trở thành một người khác hẳn. Trên đỉnh cao của quyền lực, ít người để ý, nhìn thấy tai họa ẩn chứa từ bên trong quyền lực ấy nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết, uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, tiền, tình. Với nhiều người, khi có quyền lực trong tay thì đấy cũng là lúc bắt đầu đánh mất dần chính bản thân mình, đánh mất bản chất tốt đẹp, chân chính trước đó.
… Khi quyền lực bị tha hóa thì tất yếu sẽ làm tha hóa cán bộ, tha hóa bộ máy cầm quyền và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tha hóa đạo đức, lối sống xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại đúng lúc và quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ, không được lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể tránh khỏi. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, nếu có yếu tố bên ngoài cũng chỉ là sự tác động phụ mà thôi. Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua chúa và các tập đoàn phong kiến, nhà nước của mô hình tập trung quyền lực vào một nhóm người sẽ bị tha hóa, biến chất, xa rời bản chất cách mạng, xa rời nhân dân và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì mới bền vững lâu dài, vì “dân là vạn đại”.
(Còn nữa)
1 - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tập II, Tr 212-213.