Ngăn chặn đồ chơi bạo lực

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Hồ Hồng Nhung (Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)

Dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi đã có dịp đi xem nhiều đồ chơi “độc, lạ”. Chỉ có điều, chính bản thân tôi cũng không chắc đó là sản phẩm dành cho trẻ em hay người lớn. Không khó để bắt gặp hàng loạt giỏ đao, kiếm, súng ống... bày bán trên nhiều con đường Thủ đô.

Chẳng cần phải tới phố Hàng Mã, mà giờ những thứ đồ chơi bạo lực đã được các thương lái “phủ sóng” trên diện rộng, thậm chí “xách tay” bán rong trên hè phố. Điển hình tại chợ dân sinh khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) hay dọc đường Yên Lãng (quận Đống Đa), đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Điều đáng nói là các loại đồ chơi nêu trên chỉ là tấm bình phong che mắt các lực lượng chức năng. Bởi bất cứ ai cũng có thể mua một khẩu súng bắn đạn nhựa, ná bắn bi sắt, súng pháo... chỉ bằng vài câu hỏi qua loa với các tiểu thương, người bán hàng rong. Bản thân tôi cũng không hề biết tới sự tồn tại “giấu mặt” này, cho tới khi được nghe hai cháu nhà tôi hướng dẫn cụ thể cách mua “hàng cấm”. Nghĩa là, các tiểu thương hoàn toàn không quan tâm đến lứa tuổi tiếp cận các món đồ chơi bạo lực, miễn sao khách hàng có tiền và nhu cầu mua hàng.

Cùng với việc xuất hiện trên đường phố, các “sạp hàng” đồ chơi bạo lực cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng trên các trang mạng xã hội, núp dưới vỏ bọc “đồ trang trí”, “quà lưu niệm”. Có lần, tôi đã thử đặt hàng một “mô hình” kiếm katana (loại vũ khí đặc trưng của Nhật). Mặc dù các mặt hàng được giới thiệu công khai đều làm bằng nhựa, nhưng khi trao đổi riêng, người bán lại “gợi ý” việc cũng có những loại hàng khác “giống thật hơn”, từ cách thiết kế, hoàn thiện đến chất liệu. Dĩ nhiên, giá thành của các loại “hàng kín” này cũng cao hơn hẳn. Đã đến lúc các lực lượng chức năng xiết chặt lại thị trường đồ chơi, ngăn chặn việc phổ biến những mặt hàng bạo lực.