1/Đang là giai đoạn gấp rút ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, nhưng nhiều học sinh lớp 9 đã chuẩn bị xong bộ hồ sơ đẹp cho tuyển sinh vào 10, trong đó có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS. Vài năm trước, một số trường trên địa bàn Hà Nội lấy chứng chỉ IELTS là một trong những phương thức tuyển sinh để cộng điểm, tuyển thẳng.
Em Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS-THPT Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Em thi IELTS sớm để có thể được cộng điểm vào Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Vừa học trên lớp, vừa phải đi luyện IELTS rất vất vả với học sinh cuối cấp!”. Còn em Nguyễn Hoài Nam, Trường THCS Nghĩa Tân lại cho rằng: “Thay vì chú tâm học IELTS để cộng điểm, em sẽ dành nhiều thời gian để ôn luyện các môn Toán, Văn, thậm chí năm lớp 9 chúng em còn phải học đều các môn để còn dự phòng thi môn thứ 4. Việc học trên lớp và làm bài tập về nhà đã chiếm hết thời gian của em”.
Trường THCS-THPT Lomonoxop những năm trước tuyển thẳng học sinh giỏi và có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên. Thống kê mỗi năm tuyển được khoảng 20 em có chứng chỉ này, tương đương 5% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, như thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng thì sau khi thống kê, nhà trường thấy các học sinh đã có chứng chỉ IELTS, khi tham dự kỳ thi vào 10 THPT của Hà Nội, các em đều đạt điểm cao, đủ tiêu chuẩn để đỗ vào nhiều trường. “Vì vậy, việc học sinh vừa ôn luyện IELTS vừa ôn thi cuối cấp rất là vất vả với các em. Năm nay, chúng tôi quyết định không tuyển chứng chỉ IELTS nữa”, thầy Tùng nói.
Trước đó, tại kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của các tỉnh Nghệ An, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Trị, Bình Dương, Vĩnh Long… đã thông báo cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng đối với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thí dụ, tại tỉnh Nghệ An, nếu học sinh đạt 6.0 IELTS sẽ được tuyển thẳng vào trường THPT công lập; 7.0 IELTS trở lên tuyển thẳng vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Hay tỉnh Quảng Trị thông báo, nếu đạt 4.0 IELTS được quy điểm thành 9 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập.
2/Một số chuyên gia cho rằng, tiếng Anh vốn là công cụ giao tiếp và IELTS chỉ là một kỳ thi đánh giá kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật. Ông Giang Nguyễn, Giám đốc Ivy nêu quan điểm: “Chúng ta lấy điểm IELTS là tiêu chí tuyệt đối để tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 mà lại bỏ qua vai trò của các môn quan trọng như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa thì tôi cho rằng, đó là sự méo mó rất lớn trong tuyển sinh và cần phải điều chỉnh”.
Đặc biệt tại nhiều huyện miền núi, vùng khó khăn, các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào THPT đã làm mất sự bình đẳng, tiếp cận cơ hội đến trường bởi điều kiện sống và môi trường học tập ngoại ngữ tại các vùng miền này của các em học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thông tư 11 năm 2014 của Bộ GD&ĐT đã quy định, chỉ có bốn nhóm học sinh được tuyển thẳng vào Lớp 10 công lập: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Người dân tộc rất ít người; Người khuyết tật; Người đạt giải quốc gia quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Khoa học kỹ thuật.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) nói: “Trường hợp địa phương nào khi ban hành kế hoạch tuyển sinh mà có những nội dung đưa thêm vào như tuyển thẳng hoặc ưu tiên đối với những đối tượng học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ nói chung thì không đúng quy định của Thông tư 11 nên bộ yêu cầu phải sửa ngay, đồng thời yêu cầu các tỉnh tăng cường công tác giám sát, kiểm soát, thanh tra việc tuyển sinh vào THPT theo đúng quy định”.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc không cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS, một số địa phương đã phải điều chỉnh lại kế hoạch tuyển sinh năm học 2024-2025.