Biến tướng của “chữa lành”

“Coaching” (khai vấn) và “healing” (chữa lành) đang là những cụm từ thịnh hành trên mạng xã hội bởi sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhưng nhiều người đã lợi dụng việc khai vấn và chữa lành này để trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động vui chơi lành mạnh là phương thức hữu hiệu để chữa lành các bệnh tâm lý. Ảnh SONG ANH
Hoạt động vui chơi lành mạnh là phương thức hữu hiệu để chữa lành các bệnh tâm lý. Ảnh SONG ANH

Trào lưu nở rộ

Xuất phát từ những tổn thương về mặt tâm lý, áp lực trong cuộc sống, học tập, gia đình... mong muốn tìm một “điểm tựa”, nhiều người đã chọn các biện pháp để “chữa lành”. Hiểu đơn giản, đây là thuật ngữ chỉ các biện pháp giúp phục hồi về mặt cảm xúc, cải thiện về tâm hồn lẫn thể chất theo hướng tích cực hơn dựa vào các phương pháp khác nhau. Khái niệm này đã có từ lâu trong ghi chép của các tôn giáo, trong thời gian gần đây, đang phổ biến do sự “lăng xê” của giới trẻ.

“Đi du lịch để healing”, “đi cà-phê để healing” hay “rèn luyện thói quen mới để healing”,... là những dòng trạng thái quen thuộc dễ dàng nhìn thấy trên mạng xã hội. Bạn Nguyễn Khánh Linh (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, bản thân mỗi khi gặp một áp lực nào đó của công việc hay đơn giản là sự xáo trộn trong cảm xúc thì đều chọn đi du lịch để thay đổi không gian, ổn định tinh thần và tự chữa lành những cảm xúc tiêu cực ấy. Một ngành dịch vụ không thể tồn tại nếu như chỉ có cung mà không có cầu. Khi bế tắc, phân vân trong việc chọn lựa, nhiều người đã lựa chọn dịch vụ “khai vấn” để khơi thông suy nghĩ, tìm tổn thương để chữa lành.

Xu hướng này nở rộ sau thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, dựa trên tâm lý tổn thương của nhiều người mà sinh ra các hoạt động ăn để chữa lành, viết để chữa lành cho đến các phương pháp đơn thuần như tập yoga, thiền... Theo đó, những người tự nhận có khả năng chữa lành cũng ngầm hợp thức hóa thành một nghề và kiếm thu nhập từ hoạt động này.

“Chữa lành” thành “rách”

Nhiều người cung cấp dịch vụ đã biến tướng “chữa lành” thành nhiều phương pháp khác nhau nhằm mục đích trục lợi. Hàng loạt các hội nhóm trá hình chữa lành được lập ra trên mạng xã hội, dưới danh nghĩa kết nối chữa lành để lôi kéo những người có nhu cầu tham gia rồi bán những vật phẩm giá trị ảo. Với những lời quảng cáo vô thực, đánh trúng vào tâm lý người nghe khiến những đồ vật này bị thổi phồng giá trị, người bán thì được lời còn người mua không được chữa lành và còn mất thêm tiền.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trang web bán khóa học chữa lành được mở ra, hấp dẫn người xem như “Chữa lành tâm hồn”, “Chữa lành tổn thương sâu bên trong để khơi thông tài lộc”, thậm chí là “Chữa lành ung thư”, “Chữa lành bằng phương pháp thôi miên quay về tiền kiếp” hay “Chữa lành tự kỷ”... Tâm lý chung của những người khi gặp vấn đề căng thẳng thường sẽ đi tìm mọi cách để giải quyết đã khiến cho những người có ý đồ lợi dụng việc “chữa lành” càng thêm thuận lợi trong việc dẫn dụ “con mồi” tham gia khóa học.

Anh Nguyễn Văn Chiển (45 tuổi, Hà Nội) có vợ đã từng tham gia lớp học chữa lành tâm linh với giá 1,8 triệu đồng cho 1 khóa học 8 buổi, tương đương 225 nghìn đồng/buổi học khoảng 2 tiếng. Sau 3 buổi đầu tiên, anh thấy vợ mình không hề thoải mái tư tưởng hơn, nhẹ nhõm hơn mà tình trạng căng thẳng còn trầm trọng hơn nên đã khuyên vợ thôi theo học. Ngoài thu lợi từ học phí, nhiều khóa học còn kinh doanh thêm đồ dùng dưới danh nghĩa phục vụ việc học như sách học, thực phẩm chức năng, vòng tay chuỗi hạt... với giá cao.

Nhu cầu tìm người tư vấn, trấn an tinh thần đã tạo cơ hội cho những nhà tham vấn trực tuyến hành nghề một cách dễ dàng hơn. Không cần biết trình độ học vấn chuyên môn, khách hàng tìm đến những người tư vấn này chủ yếu dựa vào chữ tín truyền miệng. Chưa bao giờ việc chữa trị tâm lý lại nhanh chóng và thuận tiện như vậy khi chỉ cần từ 50 nghìn đồng là bạn có thể nghe tư vấn về một vấn đề nào đó trong thời gian giới hạn. Muốn nghe thêm thì thêm tiền.

Mỗi người trong quá trình tìm kiếm sự chữa lành ấy cần phải tỉnh táo để phân biệt có thật sự là bản thân cần chữa lành hay chỉ là đi theo xu hướng của xã hội? Những khóa học với giá trên trời, những bài giảng với toàn câu triết lý có thể khiến mỗi người theo học “rách thêm những vết thương sắp lành”. Đề xuất về việc quản lý, luật sư Hoàng Tùng (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, cần có biện pháp phối hợp quản lý từ các bộ, ngành liên quan vì “chữa lành” không phải là một phương pháp chữa bệnh vì tổn thương liên quan đến tâm lý không phải là bệnh. Việc thương mại hóa dịch vụ này với các bác sĩ tâm lý tự nhận sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc nếu không có sự kiểm soát kịp thời từ cơ quan chức năng.