Băn khoăn sau hành vi lừa đảo

Bạn đọc viết:

Trần Thị Chi (Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Mặc dù thời gian gần đây, các cơ quan thông tấn báo chí đã phát đi nhiều cảnh báo, nhưng tình trạng giả mạo lực lượng chức năng hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để thực hiện hành vi lừa đảo vẫn diễn ra.

Những ngày qua, dư luận xôn xao với vụ việc một số người dân bị chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và mất tới hàng tỷ đồng. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc giả danh lực lượng chức năng để lừa đảo cài đặt ứng dụng “ma”. Các đối tượng sử dụng điện thoại, tự xưng là cán bộ công an để thông báo kích hoạt tài khoản. Qua cuộc gọi, kẻ gian thường “vẽ” nên một câu chuyện về việc cả thôn/xóm/khu dân cư chỉ còn một mình người nhận điện thoại là chưa hoàn thiện hồ sơ định danh điện tử mức độ 2. Tiếp theo đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập đường dẫn để cài đặt ứng dụng nhằm “bảo đảm quyền lợi”. Từ đây, hàng loạt vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là với đối tượng người cao tuổi.

Thực tế, không chỉ riêng người già, mà kể cả những cá nhân có kiến thức, kỹ năng xã hội cũng có khả năng mắc bẫy, bởi thông tin mà các đối tượng xấu cung cấp khi gọi điện đều vô cùng chính xác. Từ tên tuổi, ngày tháng năm sinh cho tới địa chỉ thường trú và thậm chí số căn cước công dân… đều trùng khớp. Như vậy, thông tin cá nhân của cả người bị hại và nhiều người thân trong gia đình vốn đã bị lộ lọt từ lâu. Chính vì vậy, bên cạnh những cảnh báo từ các lực lượng chức năng, cơ quan có thẩm quyền, cần phải nhắc tới câu chuyện rò rỉ dữ liệu cá nhân đang diễn ra “như cơm bữa”. Tình trạng này diễn ra đã lâu, nhưng dường như đến thời điểm hiện tại vẫn đang bị bỏ ngỏ.