Nguyễn Thị Hương

Ngã rẽ định mệnh với đua thuyền

Ngay trong kỳ SEA Games đầu tiên của mình, gương mặt lạ hoắc Nguyễn Thị Hương đã khiến cả làng thể thao Đông Nam Á kinh ngạc, khi đoạt tới 5 tấm Huy chương vàng (HCV) ở môn Olympic khó như canoeing. Chỉ sau đúng 4 năm vượt sóng gió cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, cô gái 21 tuổi với xuất phát điểm kỳ lạ từ một đô vật đã trở thành nữ tuyển thủ sở hữu nhiều HCV nhất của nước chủ nhà Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thị Hương tỏa sáng tại SEA Games 31.
Nguyễn Thị Hương tỏa sáng tại SEA Games 31.

Nước mắt của nữ đô vật

Sinh năm 2001 trong một gia đình thuần nông ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Hương sớm bộc lộ tố chất và cả niềm đam mê thể thao đặc biệt. Hương có thể chơi giỏi nhiều môn, đều ở mức nhất nhì lớp và trường. Năm 14 tuổi, cô nữ sinh đã xuất sắc giành HCV môn đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh và lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch. Họ đã nhìn thấy một "viên ngọc thô" thực thụ, với sức vóc và ý chí hơn người, được kết đọng ở đôi tay quá khỏe, dẻo hiếm có.

Hương lập tức nhận được lời mời lên tỉnh để luyện tập thành một vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp, cụ thể là ở môn vật nữ. Dù chưa có ý niệm nào song cô đã đồng ý ngay. Thế nhưng, khi Hương dẫn thầy về nhà thì bị bố mẹ phản đối quyết liệt vì chỉ muốn con tập trung học văn hóa, lại chưa biết con đường thể thao tương lai thế nào. Phải mất nhiều thời gian, qua nhiều lần thuyết phục, thấy con gái quá quyết tâm, cũng như hiểu được tâm huyết của người thầy, gia đình mới đồng ý.

Theo thầy lên tỉnh, Hương đã phải đối mặt với muôn vàn thử thách, vượt xa những gì tưởng tượng. Ngoài kỷ luật gắt gao, nỗi nhớ nhà còn là sự khắc nghiệt của sàn vật, với những đòn quăng quật đau điếng, những cú ngã tóe máu... Thậm chí, sau các buổi tập nặng đến kiệt sức, Hương ăn cơm không nổi. Chỉ có ý chí mạnh mẽ cùng khát khao cháy bỏng mới giúp cô thiếu nữ vượt lên tất cả, sớm nổi lên như một tài năng trẻ đầy triển vọng. Thế nhưng, khi Hương bắt đầu hội đủ các yếu tố cần thiết để bắt đầu chinh phục các giải đấu quốc gia thì đội vật nữ tỉnh bị giải tán. Cựu đô vật nữ trẻ ngày nào hãy còn nhớ như in mình đã suy sụp như thế nào khi nhận "hung tin", hệt như một cú "sét đánh". Hương gần như không khóc nổi trước thảm cảnh "tay trắng" sau ba năm ăn tập với biết bao tâm sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu!

Đến với đua thuyền từ con số... âm

Giấc mơ tỏa sáng trên thảm vật của Hương bất ngờ tan vỡ, trong sự thất vọng cùng cực. Như một cái duyên định mệnh, đúng thời điểm gian khó ấy, HLV Nguyễn Việt Phương, người thầy của Hương ở đội vật, cũng chuyển sang làm canoeing và ông đã kéo cô học trò sang môn mới này bằng được. Ông hiểu rằng, Hương sẽ lại bắt đầu từ con số 0, song ông hoàn toàn tin tưởng cô sẽ thành công, đơn giản vì sở hữu "chất" thể thao hiếm có.

Gia nhập đội canoeing, Hương không chỉ thua các đồng đội đã trải qua cả một thời gian dài tập luyện, cô không chỉ bắt đầu từ con số không mà thậm chí còn là số... âm. Môn này đòi hỏi VĐV phải biết bơi tay ở dưới nước, còn Hương chưa hề biết bơi. Cô cũng chẳng hề biết cách cầm mái chèo hay ngồi trên thuyền. Đã thế, "tân binh" rẽ ngang này còn gặp bất lợi lớn với chiều cao khiêm tốn, chân tay ngắn.

Tuy nhiên, trước những trở ngại tưởng như không thể vượt qua ấy, Hương xác định mình không được phép nản chí, mà phải "bù" lại cho bằng được bằng nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần bình thường. Như chia sẻ của Hương, chỉ để biết bơi và làm chủ chiếc thuyền, cô đã ngã xuống hồ, uống và sặc nước không biết bao lần. Với một động tác, kỹ-chiến thuật thầy hướng dẫn, cô phải tập trung nghe và kiên trì tập, có khi phải 2 lần, rồi 5 lần, thậm chí 10 lần, đến lúc nào đạt mới nghỉ. Suốt một thời gian dài, Hương đều dành thêm 1-2 tiếng mỗi ngày để tập riêng, tập thêm sau mỗi buổi tập chung phơi mặt gò lưng chèo thuyền vượt sóng gió cùng đội đã mệt tới "tức ngực khó thở ".

Qua hai năm, Hương đã có những bước thăng tiến ngoạn mục khiến chính các thầy cũng phải kinh ngạc, khi thấy học trò "khác hẳn sau mỗi tuần". Theo HLV đội tuyển quốc gia và HLV trưởng đội canoeing Vĩnh Phúc Lưu Văn Hoàn, ngoài những kỹ năng chung, Hương còn đặc biệt mạnh về tốc độ và còn thực hiện cực tốt các kỹ thuật khó, như "độc chiêu" đánh lái tránh các tác động của sóng và gió giúp thuyền đi nhanh nhất. Cựu đô vật đen đủi đã trở thành "hiện tượng" của canoeing Việt Nam, khi thể hiện sự vượt trội hoàn toàn ở những nội dung chuyên biệt của mình tại các giải quốc nội, với những thông số chuyên môn ngang bằng hay áp sát mức HCV SEA Games. Năm 2019, sau đúng ba năm chia tay thảm vật và bén duyên đua thuyền, cô đã "bay" thẳng vào đội tuyển quốc gia. Cũng ngay trong năm đó, tuyển thủ quê Vĩnh Phúc đã tạo nên cột mốc quan trọng đầu tiên cho mình, với tấm HCV giải Trẻ Đông Nam Á.

Với Hương, việc phải chuyển sang tập luyện canoeing hóa ra lại là một ngã rẽ định mệnh và vô cùng ngọt ngào.

Ngã rẽ định mệnh với đua thuyền ảnh 1

5 tấm HCV SEA Games gây sửng sốt

Trước SEA Games 31, Nguyễn Thị Hương vẫn là một gương mặt lạ lẫm với làng đua thuyền Đông Nam Á, trong khi các nhà quản lý huấn luyện của canoeing Việt Nam tin rằng đây sẽ là "nhân tố tạo đột biến". Tuy nhiên, tất cả đều đã phải sửng sốt với màn trình diễn xuất sắc khó tin của cô gái 21 tuổi ngay trong kỳ Đại hội thể thao khu vực đầu tiên của mình.

Hương đã thi đấu bùng nổ, với cả sự hồn nhiên, khao khát của một "người mới" không biết sợ cùng sự tự tin, bản lĩnh không khác gì những "cựu binh" để phát huy tối đa khả năng, kỹ năng và cả "độc chiêu" của mình.

Tại SEA Games 31 vừa kết thúc tháng 5 vừa qua, Nguyễn Thị Hương dự tranh 5 nội dung và giành trọn cả 5 HCV, trong đó có 3 tấm HCV cá nhân (các nội dung thuyền đơn 1.000m, 500m, 200m) và 2 HCV đồng đội (thuyền bốn 1.000m, 500m). Điều đáng nể, ở cả 5 nội dung, nhất là 3 nội dung cá nhân, cô đều chiến thắng hết sức thuyết phục, vượt lên ngay từ đầu, một mình băng băng về đích và bỏ xa các đối thủ. Giới chuyên môn thật sự "sốc" trước sức mạnh tốc độ mà Hương đã thể hiện và cho rằng nếu có đối thủ mạnh hơn, thành tích của cô còn có thể cao hơn nhiều.

Chưa kể, Nguyễn Thị Hương là VĐV thấp nhất làng đua thuyền Việt, với chiều cao khiêm tốn chỉ 1m51, nếu bình thường khó vượt qua các cuộc tuyển chọn. Thế nhưng, nhờ những tố chất đặc biệt cùng ý chí và sự bền bỉ phi thường, Hương đã lập nên kỳ tích "khủng" nhất mà một VĐV đua thuyền Việt Nam từng có được ở một kỳ SEA Games. Có cùng số lần đăng quang như nam kình ngư Huy Hoàng, cô chính là nữ tuyển thủ giành nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà.

Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục thể thao) Ngô Ích Quân, hành trình "siêu lạ" của Hương chứng tỏ cô gái sinh năm 2001 còn nhiều tiềm năng để tăng tốc phát triển. Ngành thể thao sẽ đưa Hương vào diện "đầu tư trọng điểm" cho những đích nhắm vượt tầm SEA Games. Mục tiêu của Hương sẽ là phấn đấu tranh huy chương giải vô địch châu Á, Asian Games và đoạt suất tham dự Olympic.

Với 5 HCV, Nguyễn Thị Hương cũng giúp Vĩnh Phúc tạo nên một hiện tượng kỳ thú khi đóng góp 6 trên tổng số 8 HCV của đội tuyển quốc gia canoeing tại SEA Games 31. Trước đó, cả 2 HCV canoeing ở SEA Games 30, và 1 HCV duy nhất ở SEA Games 29 đều đến từ Vĩnh Phúc, do công của Trương Thị Phương, đàn chị và đồng đội thân thiết của Hương.