Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền:

Nếu như lịch sử đã lựa chọn chúng tôi...

Thật khó hình dung cô gái mặc chiếc váy giản dị ngồi trước mặt tôi lại là người phụ nữ mạnh mẽ mà tôi nhìn thấy trong ảnh khi đang “chỉ huy” đoàn làm phim. Đặng Thái Huyền (ảnh trên) đang là cái tên được truyền thông nhắc đến với không ít ngưỡng mộ, nể phục, khi phim Người trở về do cô làm đạo diễn vừa ra mắt công chúng và lập tức, gây nên cơn sốt ngoài sức tưởng tượng về một dòng phim quá kén khán giả - chiến tranh cách mạng.

Nếu như lịch sử đã lựa chọn chúng tôi...

Bạc tóc vì Người trở về

Cảm giác của Huyền thế nào sau đợt chiếu ra mắt phải nói là ngoạn mục của “Người trở về” tại Hà Nội vừa qua?

Người trở về là dự án phim lớn và quan trọng của Điện ảnh Quân đội (ĐAQĐ). Từ trước đến nay, ĐAQĐ chưa có tiền lệ đưa phim ra công chiếu rộng rãi mà chỉ chiếu phục vụ toàn quân trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ của đất nước. Khi làm xong bộ phim, tôi và anh em khao khát được đưa phim ra công chiếu rộng rãi với mong muốn được khán giả ghi nhận về một dòng phim chiến tranh dưới góc nhìn, cách cảm của thế hệ trẻ hôm nay. Rất may, khi tôi đặt vấn đề công chiếu giới thiệu báo giới và khán giả trong một số buổi nhất định thì lãnh đạo ĐAQĐ hết sức hoan nghênh và tạo điều kiện. Trước buổi chiếu, tôi bị áp lực tới mức mất ngủ. Thế nhưng mọi việc diễn ra suôn sẻ ngoài sức tưởng tượng. Mười buổi chiếu theo yêu cầu của khán giả, cứ buổi sau lại đông hơn buổi trước, kê thêm bao nhiêu ghế cũng không đủ và cuối cùng là “vỡ” rạp. Đỉnh điểm là hai buổi chiếu thêm theo yêu cầu của khán giả ở rạp Kim Đồng, tôi và diễn viên Lã Thanh Huyền phải đứng ở cửa xin lỗi các khán giả đến sau vì không còn chỗ để “đứng” trong rạp (phía trong, nhiều khán giả đã đứng suốt gần hai tiếng xem phim, một số khác chấp nhận ngồi dưới đất, sát màn hình). Hôm đó Người trở về vinh dự đón rất nhiều các bậc tiền bối trong giới điện ảnh. Rồi có khán giả bị tật nguyền được chồng cõng đến xem, và đặc biệt là rất nhiều bạn trẻ. Tôi cảm nhận rất rõ ràng là những gì chúng tôi trăn trở, lao tâm lao lực một thời gian dài đã được thấu hiểu và đền đáp.

Tôi tự hào được góp một phần tiếng nói, sức lực vào dòng phim chiến tranh cách mạng.

Huyền và ê kíp đã có một cách kể chuyện hết sức giản dị, tự nhiên, nhưng lại là một câu chuyện được chăm chút tỉ mỉ, chi tiết, có thể nhận thấy bàn tay xử lý chi tiết của đạo diễn hết sức tinh tế và mọi khâu đều thể hiện kỳ công. Có vẻ như mọi thứ từ đầu đã được sắp đặt tốt?

Tuy thời gian bấm máy chỉ gần ba tháng, nhưng thời gian chọn bối cảnh, lên kế hoạch, chuẩn bị các khâu thì diễn ra âm thầm cả năm trời. Dựa theo ý tưởng truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhưng từ hình ảnh một bến sông, một bóng người liêu xiêu trên triền cát, một ngôi làng thời hậu chiến đã cho tôi hình dung cả một câu chuyện, với đầy đủ từng phận người như đã thấy trên màn ảnh. Tôi đã có nhiều đêm thức trắng bên trang giấy chỉ vì một, hai câu thoại chưa ưng ý. Tôi và chị Thu Dung (người đồng tác giả kịch bản) từng có những tranh luận gay gắt vì một vài chi tiết. Tôi yêu và đồng cảm với nhân vật Mây, như thể đó là một phần máu thịt của mình. Sau này khi ngồi ở bàn dựng, đôi khi tôi cũng rơi nước mắt. Chỉ cần vượt qua cái tôi, lòng kiêu hãnh và sự nhân từ, Mây sẽ có tất cả. Nhưng cô ấy chấp nhận buông bỏ chỉ vì: “Chúng ta không thể hạnh phúc trên sự tổn thương của người khác”.

Phim quay trên chất liệu phim nhựa, rất tốn kém, nên chúng tôi phải cân nhắc, đong đếm từng câu thoại, từng khuôn hình, thậm chí là từng chi tiết nhỏ, sao cho mọi thứ đều chuẩn chỉ, đủ cảm xúc. Đối với những người làm phim trẻ quen tiếp cận với phim số được quay nhiều đúp, nhiều máy như thế hệ chúng tôi thì Người trở về đúng là một ngưỡng thử thách tay nghề rất lớn. Và có lẽ sự đón nhận của khán giả thời gian vừa qua giống như một tấm bằng chứng nhận chúng tôi đã vượt qua thử thách khó khăn này (cười).

Thật khó hình dung một nữ đạo diễn 8X giữa “phim trường” toàn cảnh cháy nổ? Cũng phải có những tố chất nào đó mới làm đạo diễn?

Tôi nghĩ làm nghệ thuật ngoài lòng đam mê, nhiệt huyết thì cần phải có năng khiếu. Năng khiếu là điều trời sinh, Tổ đãi không phải cứ học chăm chỉ mà có được. Và nếu như chị nói là tố chất thì cũng đúng. Nữ đạo diễn theo đuổi dòng phim chiến tranh không nhiều, vì không chỉ khó mà có lẽ vì quá cực khổ. Là người rất tự tin khi nhận đạo diễn phim Người trở về, vậy mà khi bắt tay thực sự vào việc tôi mới choáng váng vì quy mô của công việc: từ phục trang, đạo cụ của thập niên 80 phải đặt mua, thuê ở đâu cho đúng, đến vũ khí khí tài, đào hầm hào, công sự... Nhiều cảnh quay có quả nổ, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chính tôi cũng cảm thấy hoảng sợ. Lã Thanh Huyền và các nữ sinh viên đóng vai y tá có nhiều trường đoạn chạy trong hào giữa bom đạn là sợ thật chứ không còn là diễn nữa. Rồi khi quay cảnh dưới bến sông đúng hôm nhiệt độ mùa đông ngoài trời xuống rất thấp. Diễn viên lội dưới bến run lập cập, diễn không nổi. Những lúc như vậy, dù là phụ nữ và được ưu tiên hết mức nhưng tôi vẫn phải lao xuống nước. Mình muốn được cùng đồng cam cộng khổ với anh em, truyền lửa cho mọi người. Ngâm nước lạnh và hít đủ khói bụi, tôi cũng ốm. Nhưng ốm thì cũng phải lặng lẽ uống thuốc cho khỏi chứ không dám để lộ cho anh em biết. Hoàn thành Người trở về, cả đoàn an toàn, không xảy ra sự cố, tôi phát hiện tóc mình bạc đi và gương mặt hốc hác như già đi mấy tuổi.

Nếu như lịch sử đã lựa chọn chúng tôi... ảnh 1

Cảnh trong phim Người trở về.

Chúng tôi sẽ là những người có lỗi nếu không gánh vác tiếp sứ mệnh mà thế hệ tiền bối như thầy tôi đã làm.

Sáng tạo là không lặp lại

Như Huyền có nói, Người trở về rất có thể là dự án phim nhựa cuối cùng, chắc hẳn đó cũng là một điều ý nghĩa với ê kíp làm phim được coi là trẻ?

Đúng, rất có thể Người trở về sẽ là phim nhựa cuối cùng của điện ảnh Việt Nam. Nhiều người nói tôi quá mạo hiểm khi làm phim lớn đầu tay bằng chất liệu nhựa. Vì đã là luật bất thành văn, phim điện ảnh đầu tay mà đổ thì coi như sự nghiệp làm phim dừng lại ở đó. Nhưng tôi lại cho rằng, đây là may mắn, là cơ hội làm nghề lớn nhất trong cuộc đời mình và các nghệ sĩ trẻ của ĐAQĐ. Thầy tôi, đạo diễn Khắc Lợi nói rằng, phim nhựa là một thánh đường, là một cuộc chơi nghề mà ở đó đòi hỏi những kỹ thuật cơ bản nhất của điện ảnh. Người trở về đối với tôi là một dấu ấn nghề nghiệp vô cùng quan trọng.

Được biết, Người trở về sắp có chuyến ra mắt khán giả phía nam. Và cái tên Đặng Thái Huyền, qua bộ phim này, dường như đã được gắn mác “đạo diễn trẻ thành công với phim chiến tranh”. Vậy đề tài chiến tranh có phải là con đường mà Huyền lựa chọn?

Tôi tự hào được góp một phần tiếng nói, sức lực vào dòng phim chiến tranh cách mạng. Nếu được tin tưởng giao tiếp, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đề tài này, dù có khó khăn, vất vả thế nào. Chúng tôi sẽ là những người có lỗi nếu không gánh vác tiếp sứ mệnh mà thế hệ tiền bối như thầy tôi đã làm. Có thể tôi sẽ không phải là một thương hiệu đạo diễn ăn khách phòng vé, không nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông... nhưng tôi tin con đường tôi đi sẽ không đơn độc. Sau Người trở về, tôi muốn thử sức ở nhiều dòng phim khác. Thực ra, với tôi, chiến tranh hay bất cứ đề tài nào đều không quan trọng bằng việc mình làm ra nó với tâm thế như thế nào. Tôi không muốn đóng đinh cái tên với một đề tài nào cả. Vì chị biết đấy, sáng tạo là không giới hạn.

Cám ơn Huyền về cuộc trò chuyện và chúc Huyền tiếp tục thành công với những dự định mới của mình.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền sinh năm 1980, tốt nghiệp thủ khoa Đạo diễn điện ảnh của Trường ĐH SKĐA Hà Nội năm 2003. Cô cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Phim truyện của ĐAQĐ. Trước Người trở về, Huyền được biết đến với thành công của bộ phim video 13 bến nước tại LHP Việt Nam lần thứ 16, khi mang về sáu Bông sen Vàng quan trọng gồm: Phim xuất sắc nhất thể loại Video, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nam & nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Cô còn được đông đảo khán giả biết đến, qua những bộ phim truyền hình dài tập như: Bánh đúc có xương, Thiên đường vắng em, Ở rể, Kẻ thù phụ nữ...