Người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn:

Nên cấm tuyệt đối hay không?

Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn là một trong những quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, thu hút nhiều sự quan tâm do tác động trực tiếp đến đông đảo đối tượng tham gia giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng CSGT thành phố Hải Phòng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Lực lượng CSGT thành phố Hải Phòng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Tính mạng người tham gia giao thông là trên hết

So với quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (nghiêm cấm hành vi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở), quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã mở rộng đối với tất cả người điều khiển các phương tiện giao thông nói chung. Qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu, bia có 25 nước quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0, các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.

Thời gian vừa qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương; trung bình có gần 50% vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia, gây nhiều hệ lụy, gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội.

Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn góp phần phòng ngừa nguy cơ, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong toàn xã hội.

Theo Chính phủ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, dựa trên quan điểm “tính mạng người tham gia giao thông là trên hết”, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, hạn chế tai nạn và thống nhất với khoản 6, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Quy định này được luật hóa từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau chung quanh quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Ý kiến của một số ĐBQH nhận định, quy định cấm tuyệt đối là quá nghiêm khắc, chưa thuyết phục và chưa thật sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Qua tiếp xúc cử tri, cử tri cũng bày tỏ còn băn khoăn về quy định này. Nhiều phản ánh dẫn chứng các trường hợp uống rượu từ buổi tối hôm trước, sáng hôm sau trong máu vẫn còn nồng độ cồn, hoặc chỉ uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa, uống một nắp thuốc thời khí khi đau bụng, thưởng thức một số món ăn khi chế biến gia vị có chứa nồng độ cồn nhưng khi lái xe nếu đo có nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt, dễ gây tranh cãi.

ĐBQH Bế Trung Anh (Trà Vinh) đặt vấn đề, chúng ta muốn kiểm soát năng lực hành vi khi tham gia giao thông, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân và uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, vì vậy cần phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu.

Ủng hộ xử lý nghiêm các trường hợp uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, tuy nhiên ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) và một số đại biểu đề xuất dự thảo Luật không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở. Khi vượt quá ngưỡng cho phép mới phạt và tính toán hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu, bia trước khi lái xe.

Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định cấm tuyệt đối đối với người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có công việc chính là lái xe dịch vụ, lái xe hợp đồng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước, lái xe kinh doanh và đề xuất cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại xe, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) dẫn chứng ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng trước khi tham gia giao thông. Lượng chất kích thích này, chưa đủ để tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Mục đích của luật xây dựng là để điều chỉnh hành vi của con người cho đúng, nhưng phải bảo tồn được văn hóa, hướng tới và tạo sự thuận tiện cho người dân. Quy định phải dựa trên bằng chứng khoa học, không dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận, đó cũng là trăn trở của không ít đại biểu tại nghị trường và nhiều người dân.

Nên cấm tuyệt đối hay không? ảnh 1

Lực lượng CSGT thành phố Hải Phòng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại nhất trí với quy định nồng độ cồn bằng 0 trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là đúng đắn, cần thiết, phù hợp và thực tiễn xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn cùng một số nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả. Mỗi người có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi uống rượu, bia, có người sử dụng rất ít hoặc sử dụng nước hoa quả lên men cũng dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo, khó có thể điều khiển phương tiện. Chưa kể, người uống rượu, bia không thể biết được uống bao nhiêu là đủ, nằm trong vùng an toàn.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm tuyệt đối, phương án cấm sẽ tường minh và giúp công dân dễ chấp hành, tự mình có thể đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Phân tích của đại biểu này cho thấy quy định cho phép uống rượu, bia dưới một ngưỡng khi tham gia giao thông, ở một góc độ nào đó vô hình trung thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe bởi về tâm lý hoặc hành vi, nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn việc dứt khoát không uống ngay từ đầu, vì bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa, cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu, bia vào cơ thể, nhất là trong bối cảnh hiện nay ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong xã hội còn chưa cao.

Với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có ảnh hưởng, tác động xã hội rất lớn, đòi hỏi nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng, thấu đáo trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và tính khả thi, phù hợp với thực tế giao thông nước ta để khi ban hành tạo được ủng hộ, đồng thuận của người dân trong thực thi và người vi phạm bị xử lý hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục”.