Nâng tầm văn hóa ẩm thực phở

Từ 15 đến 17/3, Festival Phở 2024 đã diễn ra với chuỗi hoạt động đặc sắc tại tỉnh Nam Định. Đây là Festival Phở đầu tiên trên cả nước được tổ chức ở một địa phương, với ý nghĩa tôn vinh, nâng tầm văn hóa ẩm thực phở, món ăn được xem là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân, chuyên gia đầu bếp phục vụ thực khách tại Festival Phở 2024.
Các nghệ nhân, chuyên gia đầu bếp phục vụ thực khách tại Festival Phở 2024.

Nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến phở

Theo kế hoạch, Ban Tổ chức Festival Phở 2024 phát hành khoảng 20 nghìn coupon ưu đãi (mỗi coupon có giá trị 15 nghìn đồng) để thực khách thưởng thức phở tại các gian hàng tùy chọn trong ba ngày diễn ra sự kiện. Nhưng mới bước qua ngày thứ hai, lượng coupon được chuẩn bị đã… hết sạch. Thay vì 20 nghìn bát phở, số lượng cần phục vụ đã tăng gấp hai lần. Bất chấp thời tiết nhiều lúc có mưa mù, khu vực 4.600 m² tại quảng trường Khách sạn Nam Cường, thành phố Nam Định những ngày qua thật sự biến thành không gian lễ hội với hàng chục nghìn lượt người hội tụ về đây.

Festival Phở 2024 có sự tham gia của 65 nghệ nhân và các chuyên gia đầu bếp trên toàn quốc, mang tới cho thực khách trong và ngoài nước những hương vị ẩm thực phở tinh tế của cả ba miền. Ngoài món phở bò truyền thống, người dân đến sự kiện còn được thưởng thức các món phở ngô (Hà Giang), phở hạt gạo (Hà Nội), phở hai tô (Gia Lai), phở sắn (Quảng Nam), phở sen, phở bột chuối xanh... Điểm nhấn trong ngày khai mạc là nồi phở khổng lồ do nghệ nhân Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hà Nội cùng 20 nghệ nhân và 30 người phục vụ chuẩn bị. Nồi phở sử dụng khoảng 150 kg xương ống bò, được sơ chế kỹ, cạo, nướng và ninh cùng các loại gia vị truyền thống như gừng, quế, hồi, thảo quả để tạo ra khoảng 1.000 lít nước dùng. Ngoài ra, các nghệ nhân đã chuẩn bị 250 kg thịt bò, 300 kg bánh phở và khoảng 20 kg gia vị, rau hành.

Không chỉ diễn ra sôi động ở thành phố Nam Định, Festival Phở cũng mang không khí nô nức về làng nghề phở truyền thống Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, nơi được xem như “cái nôi” của món phở. Hơn 100 năm trước, từ đầu thế kỷ XX, người dân ở đây đã sáng tạo, chế biến phở từ các món ăn quen thuộc như bún xáo, bánh đa, gánh đem bán ở những nơi có nhà máy, bến tàu, bến cảng, ga xe lửa… Nghề phở ở Vân Cù hình thành và được gìn giữ, phát huy với nhiều gia đình có tới ba, bốn thế hệ theo nghề truyền thống. Nơi đây cũng thành lập Chi hội phở, tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định. Chi hội quy tụ những nghệ nhân và đầu bếp giỏi nhất, với mục đích tập hợp những người đang làm nghề phở và yêu mến món ăn tinh túy của quê hương để bảo vệ nghề truyền thống, mang đến cho người dân và du khách những bát phở ngon nhất, đúng gốc thương hiệu “Phở Vân Cù”.

Với gương mặt bày tỏ sự hài lòng, yêu thích khi thưởng thức món phở bò thơm ngon, đậm đà tại làng Vân Cù, bà Ivana Judiakova, Trưởng Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam cho biết: “Tôi đã được nghe và biết nhiều câu chuyện về phở Việt Nam. Đối với chúng tôi, khi nghĩ đến người Việt Nam là nghĩ đến phở. Phở là dấu ấn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam”.

Con đường đến mục tiêu di sản

Festival Phở còn là dịp gắn kết trao đổi, xúc tiến thương mại giữa các làng nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực. Đây cũng là dịp để du khách tham quan, tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa vùng miền ở khắp nơi trên cả nước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài, nghề phở, món phở là một loại di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, do gắn với những tập quán văn hóa xã hội và thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng. Festival Phở 2024 được tổ chức với mục đích gìn giữ làng nghề truyền thống quê hương, đưa phở Nam Định nói riêng và phở Việt Nam nói chung thành thương hiệu quốc gia có thể hội nhập, khẳng định giá trị ẩm thực trên bản đồ ẩm thực tinh hoa thế giới, thúc đẩy việc công nhận văn hóa ẩm thực phở là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đề nghị xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Anh Vũ Ngọc Vượng, Phó Chủ nhiệm Chi hội Phở Vân Cù chia sẻ, trong khuôn khổ Festival Phở 2024, thông qua các hoạt động giới thiệu tới du khách về nghệ thuật tạo nên sợi phở và chế nồi nước dùng đặc trưng của thương hiệu phở Cồ. Anh nói: “Chúng tôi, những nghệ nhân, chuyên gia nghề phở của làng Vân Cù đang nỗ lực để mọi người biết đến làng nghề và quyết tâm lưu giữ, trao truyền nghề phở truyền thống này”. Nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định nhấn mạnh, một trong những điểm đặc sắc của Festival Phở 2024 là định vị cho hương liệu và gia vị trong phở Việt Nam. Theo bà Thiết, hiện nay, nhiều nước cũng yêu thích và muốn chế biến phở Việt Nam nhưng chưa xác định được chuẩn các gia vị trong nấu phở. Do đó, với chủ đề “Con đường phở Việt” trong Festival Phở 2024, các nghệ nhân, đầu bếp Việt Nam đã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các gia vị đặc trưng để làm nên một nồi nước dùng đúng vị.

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định đang xây dựng Đề án hỗ trợ các nghệ nhân, gia đình và đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn phở Việt Nam nói chung, Phở Nam Định nói riêng. Đồng thời, hiệp hội còn tổ chức nhiều buổi phổ biến, hướng dẫn cách nấu nước dùng, chia sẻ “bí quyết” chọn gia vị, cân bằng gia vị, chế biến để có một bát phở ngon; giúp hội viên nâng cao trình độ chế biến phở, làm cho món ăn này hội tụ được những tinh hoa ẩm thực của người Việt.