Theo Moody's, cuộc khủng hoảng “vàng trắng” có thể dẫn đến bất ổn xã hội tại Ấn Độ nếu các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tác động xấu tới “sức khỏe” tín dụng quốc gia. Thủ đô Delhi, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 200 triệu người, đang phải đối mặt khủng hoảng nước trầm trọng. Nhiệt độ gần đây có lúc lên cao kỷ lục 52,3oC ở Delhi càng đẩy nhu cầu nước tăng nhanh. Cuộc khủng hoảng nước ở New Delhi leo thang thành cuộc chiến pháp lý sau khi bang lân cận Haryana từ chối xả lượng nước dư thừa cho thủ đô. Điều này đã buộc chính quyền New Delhi phải khiếu kiện lên Tòa án Tối cao.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 18% dân số toàn cầu nhưng chỉ sở hữu 4% nguồn tài nguyên nước của thế giới. Lượng nước sẵn có bình quân đầu người của Ấn Độ là khoảng 1.100 m3, thấp hơn nhiều so ngưỡng được quốc tế công nhận tình trạng căng thẳng về nước là 1.700 m3/người. Theo các quan chức Ấn Độ, tình trạng thiếu nước có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn tăng trưởng của nước này và làm suy yếu khả năng chống chịu cú sốc của nền kinh tế, vì hơn 40% lực lượng lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm 90% lượng nước sử dụng ở Ấn Độ nên tình trạng thiếu nước có thể gây gián đoạn sản xuất nông nghiệp và hoạt động công nghiệp, dẫn đến lạm phát giá lương thực và giảm thu nhập của các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt là nông dân, đồng thời gây ra bất ổn xã hội. Theo Moody's, các ngành phụ thuộc nhiều vào nước như nhà máy điện than và sản xuất thép cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, tại châu Phi, cứ năm người ở vùng Sừng châu Phi thì có một người không được tiếp cận nước sạch và an toàn. Khoảng 30% dân số trong vùng sống ở các khu vực khô cằn và bán khô cằn, chịu nguy cơ mất an ninh nước. Phần lớn khu vực phải đối mặt tình trạng thiếu nước ít nhất ba tháng trong năm. Do vậy, LHQ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực quản lý nước và cảnh báo nếu không có hành động phối hợp, tình trạng mất an ninh nguồn nước và những cú sốc liên quan biến đổi khí hậu có thể làm suy yếu các chương trình nghị sự phát triển quốc gia trên khắp vùng Sừng châu Phi.
LHQ nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và ngăn ngừa xung đột trong khu vực. Thư ký Công ước của LHQ về nước, bà Sonja Koeppel nhấn mạnh, hơn 60% nguồn nước ngọt là tài nguyên chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia, bao gồm các con sông lớn như sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Mekong ở châu Á, sông Nile ở châu Phi và Amazon ở Mỹ latin. Vì vậy, hợp tác về các nguồn nước chung đóng vai trò rất quan trọng cho hòa bình, sự phát triển của hành động khí hậu. Bà Sonja Koeppel khẳng định, “vàng trắng” được coi là nguồn tài nguyên quan trọng đến mức có khả năng đưa các quốc gia đang xung đột ngồi vào đàm phán và mở cánh cửa hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện có khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới chưa được sử dụng nước uống sạch và một nửa dân số toàn cầu không được tiếp cận điều kiện vệ sinh an toàn. Để đối phó khủng hoảng nước, WB kêu gọi các chính phủ ưu tiên ngân sách cho ngành nước để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
Trên thực tế, hầu hết các nước đang phát triển chi ít hơn 2% ngân sách hằng năm cho nước, cho thấy mức độ ưu tiên tài trợ còn chưa thỏa đáng. Các quốc gia trên thế giới còn sáu năm để đạt được các SDG trong chương trình nghị sự 2030, bao gồm cả mục tiêu về bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.