Theo Reuters, 3 đối tượng khủng bố bị tiêu diệt đều là thành viên của nhóm đã tấn công các tín đồ Hồi giáo dòng Shi'ite đang tham gia cầu nguyện trong dịp lễ Ashura tại thánh đường Ali bin Abi Talib, thuộc quận Wadi al-Kabir ở Thủ đô Muscat của Oman vào tối 15/7. Ngày 16/7, IS cũng công bố đoạn video về vụ tấn công trên trang Telegram, khẳng định vụ tấn công khiến hơn 30 người thương vong.
Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, có 4 công dân nước này trong 6 nạn nhân thiệt mạng trong vụ "tấn công khủng bố" này. Đại sứ quán Mỹ tại Muscat đang theo dõi sát thông tin về vụ việc, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ ở Oman cần cảnh giác, cập nhật tin tức sở tại và chú ý đến các chỉ dẫn của chính quyền địa phương.
Oman được đánh giá là một trong những quốc gia có an ninh ổn định nhất khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, vụ tấn công đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ IS trỗi dậy trong khu vực. Trước đó, ngày 7/7, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ một thành viên cấp cao của IS phụ trách chế tạo chất nổ. Theo tuyên bố của Trung tâm Chỉ huy tác chiến Baghdad, dựa trên thông tin tình báo, lực lượng cảnh sát và quân đội Iraq đã bao vây nghi phạm trong chiến dịch diễn ra tại một ngôi làng ở khu vực Yusufiya, cách Thủ đô Baghdad khoảng 30 km. Phần tử trên là đối tượng bị truy nã với cáo buộc là kẻ chủ mưu chế tạo hàng chục quả bom xe được sử dụng để tấn công lực lượng an ninh và dân thường, gây thương vong cho nhiều người.
Trong khi đó tại Lebanon, quân đội nước này thông báo đã bắt giữ 6 đối tượng vì truyền bá tư tưởng của IS trên mạng xã hội. Theo AP, những đối tượng trên đã theo dõi các nội dung liên quan IS, tổ chức các cuộc họp xoay quanh những ý tưởng của tổ chức này, tuyển mộ và kích động thái độ thù địch đối với quân đội, cũng như các cơ quan an ninh của Lebanon.
Còn tại Syria, tình hình an ninh nước này đã được cải thiện kể từ khi IS bị đánh bại vào năm 2017. Tuy nhiên, tàn quân IS đã len lỏi vào các trung tâm đô thị, sa mạc và các khu vực hiểm trở, thường thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) hồi tháng trước thông báo lực lượng Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích tại Syria, tiêu diệt Ibrahim al-Janabi - một nhân vật cấp cao đóng vai trò điều phối của IS.
Không chỉ trỗi dậy ở Trung Đông - Bắc Phi, IS còn âm thầm tập hợp lực lượng và có xu hướng chuyển dịch hoạt động sang khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Saifuddin Nasution Ismail cho biết, Cảnh sát Hoàng gia Malaysia đã bắt giữ 8 nghi phạm có liên quan IS và ngăn chặn các mối đe dọa đối với Quốc vương cũng như Thủ tướng nước này. Bộ trưởng Saifuddin khuyến cáo người dân Malaysia luôn cảnh giác trước các mối đe dọa mới từ các phần tử cực đoan và khủng bố, vốn ngày càng lạm dụng công nghệ hiện đại và phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá những tư tưởng nguy hiểm.
Còn tại Philippines, lực lượng an ninh nước này mới đây tiêu diệt một nhóm tay súng ủng hộ IS ở miền nam nước này, sau khi IS vào cuối năm ngoái đã thừa nhận gây ra vụ đánh bom nhằm vào một đám đông người Công giáo ở thành phố Marawi, bang miền nam Mindanao, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Trong những tháng gần đây, hàng loạt vụ tấn công của IS đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Pakistan, Iran, Afghanistan, Kyrgyzstan… cho thấy tàn dư của tổ chức khủng bố này vẫn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Một mặt IS âm thầm truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động tâm lý bạo lực trên internet, mặt khác tuyển mộ thêm nhiều tay súng gây ra các vụ tấn công gây hoang mang dư luận. Bối cảnh bất ổn đó đòi hỏi giới chức an ninh các quốc gia cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa nhằm ngăn chặn kịp thời những âm mưu tấn công tiềm tàng.