Tìm kiếm tương lai mới

Các phái đoàn của Chính phủ Venezuela và Mỹ đã nối lại đàm phán trực tiếp từ ngày 3/7 nhằm tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy các thỏa thuận chính trị chung. Đây được xem là nỗ lực mới nhất nhằm cài đặt lại mối quan hệ vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai bên sau nhiều năm.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SERHII FEDKO
Biếm họa: SERHII FEDKO

Ngày 3/7, theo AP, phát biểu ý kiến trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố đã chấp thuận đề xuất của Chính phủ Mỹ về việc nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp sau hai tháng cân nhắc. Nhà lãnh đạo Venezuela cho biết, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, ông Jorge Rodríguez Gómez dẫn đầu phái đoàn nước này tham gia đàm phán, song không tiết lộ chi tiết các chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận.

Tổng thống Venezuela bày tỏ ủng hộ đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi và tìm kiếm một tương lai cho mối quan hệ song phương, với điều kiện tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và độc lập của quốc gia Nam Mỹ. Ông Maduro đưa ra tuyên bố trên chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Trước đó, ngày 2/7, Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Venezuela. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Washington "hoan nghênh đối thoại thiện chí và ủng hộ mong muốn của người dân Venezuela về các cuộc bầu cử cạnh tranh và toàn diện vào ngày 28/7". Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đi sâu vào chi tiết các cam kết ngoại giao song phương.

Hồi tháng 10 năm ngoái, báo The Washington Post đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ Venezuela. Tổng thống Nicolás Maduro gần đây khẳng định, quốc gia Nam Mỹ này đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh các mối quan hệ với Mỹ.

Đầu năm nay, hai tàu chở dầu của Tập đoàn Chevron (Mỹ) đã cập cảng Venezuela với nhiệm vụ chuyên chở dầu thô và xăng về Mỹ lần đầu sau bốn năm. Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ cũng nới lỏng trừng phạt dầu mỏ của Venezuela sau một thỏa thuận của chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro và phe đối lập. Thỏa thuận đánh dấu việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp ở quốc gia Nam Mỹ này.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Joe Biden, hồi tháng 3/2022, hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc ở một mức độ nhất định khi Tổng thống Biden cử một phái đoàn đến Caracas để đàm phán với chính phủ của Tổng thống Maduro về vấn đề cung ứng dầu mỏ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Trong khi đó, kể từ năm ngoái, mối quan hệ giữa Venezuela và châu Âu cũng dần khởi sắc, sau khi một phái đoàn gồm các nhà ngoại giao của 11 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), gồm Đức, Slovenia, Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và CH Czech, đã tới Venezuela để khảo sát tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia Caribe này trước các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong khuôn khổ thực thi các thỏa thuận giữa Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro và phe đối lập.

Trong chuyến thăm, các nhà ngoại giao EU đã tham gia nhiều cuộc họp với các cơ quan cấp cao của Chính phủ Venezuela để tiếp nhận thông tin chính thức về những vấn đề quan tâm. Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela phụ trách vấn đề châu Âu, ông Franklin Ramírez, đã gặp gỡ người đứng đầu phái đoàn EU tại Caracas, ông Rachel Roumet, cùng một số đại sứ, giám đốc doanh nghiệp và đại diện ngoại giao nước ngoài thường trực và không thường trực.

Ông Franklin Ramírez nhấn mạnh, các cuộc tiếp xúc là một bước tiến quan trọng trong quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Venezuela và EU, đồng thời khẳng định các mối quan hệ phải dựa trên đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Cùng việc tái khởi động quan hệ với Mỹ, Venezuela cho thấy sẵn sàng gạt bỏ quá khứ để tìm kiếm một tương lai mới trong mối quan hệ với phương Tây.