Dù mục tiêu tài trợ khí hậu mới sẽ là một trong những vấn đề chính mà các nước cần thông qua tại COP29, dự kiến diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới, song các cuộc đàm phán sơ bộ của Hội nghị tham vấn của LHQ về khí hậu, vừa diễn ra tại Bonn (Đức) đã không đạt được đột phá lớn. Không chỉ vậy, hội nghị một lần nữa phơi bày những rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc nước nào sẽ phải chi nhiều nhất và nếu chi sẽ phải chi bao nhiêu cho “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu.
Năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí đóng góp 100 tỷ USD/năm để giúp các nước có thu nhập thấp đầu tư vào năng lượng sạch và đối phó những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này bị chậm hơn 2 năm so cam kết. Do việc đóng góp 100 tỷ USD/năm sẽ hết hạn vào năm 2025, nên các nước cần nhất trí mục tiêu mới tại COP29. Nhưng những bất đồng về số tiền cần huy động, nước nào sẽ trả và nhận, cũng như hình thức tài trợ đã trở thành những rào cản trong các cuộc đàm phán kết thúc ngày 13/6 tại Bonn.
Phần lớn số tiền 100 tỷ USD được giải ngân vào năm 2022 dành cho hành động khí hậu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, cải thiện năng lượng sạch và giao thông. Tuy nhiên, mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD/năm còn kém xa số tiền mà giới chuyên gia ước tính. Các nước đang phát triển sẽ cần ít nhất 2.400 tỷ USD/năm vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu về khí hậu và phát triển.
Tài chính khí hậu luôn là vấn đề gai góc tại các cuộc đàm phán về khí hậu hằng năm của LHQ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - cơ quan theo dõi số liệu chính thức về các cam kết tài chính khí hậu, việc không huy động được nguồn tài chính đúng hạn đã làm xói mòn niềm tin vào các cuộc đàm phán về khí hậu. Phát biểu ý kiến sau khi kết thúc Hội nghị tham vấn của LHQ về khí hậu tại Bonn, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh: “Chúng ta đã đi đường vòng đến Baku”, khi còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là tài trợ khí hậu, hay cách thức các nước giàu tài trợ cho các nước đang phát triển thực hiện những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa thiên tai. Bão, lũ và hạn hán thường xuyên gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tác động đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và gia tăng bất bình đẳng trên thế giới. LHQ kêu gọi các quốc gia chung tay chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế hướng tới bảo tồn, bảo vệ và tái tạo hệ sinh thái. Hiện châu Phi đang mất khoảng 7 đến 15 tỷ USD mỗi năm do hậu quả của biến đổi khí hậu và nếu không hành động ngay lập tức, đến năm 2030, thiệt hại hằng năm của Lục địa đen có thể tăng lên mức 40 tỷ USD.
LHQ nhấn mạnh, để các chính phủ có cơ hội ký kết một thỏa thuận vào tháng 11 tới, các nước cần nghiêm túc hơn để thu hẹp những bất đồng, bởi khó có thể tìm ra giải pháp chính trị nào vào thời hạn chót ở Baku. LHQ cảnh báo các nhà đàm phán sẽ phải vượt “một chặng đường rất chông gai” để đạt được kết quả như mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh đến năm 2050, thế giới phải loại bỏ lượng khí CO2 trong không khí nhiều hơn gấp 4 lần nỗ lực hiện nay để hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng ở dưới mức mục tiêu 2oC.