Hòa bình mong manh

Chính phủ Colombia ngày 24/6 đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Caracas (Venezuela) với nhóm Segunda Marquetalia, tách ra từ Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Dù thành công lịch sử trong cuộc đàm phán với FARC trước đây có thể khích lệ các bên tại bàn thương lượng, song chưa điều gì bảo đảm hòa bình sẽ được thiết lập bền vững tại quốc gia Nam Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ALEX FALCÓ chang
Biếm họa: ALEX FALCÓ chang

Theo CNN, đây là cuộc đàm phán thứ 3 được tiến hành dưới thời Tổng thống Gustavo Petro, vốn gặp nhiều trở ngại trong nỗ lực chấm dứt 6 thập niên xung đột giữa lực lượng an ninh, du kích, lực lượng bán quân sự cánh hữu và các băng nhóm ma túy.

Chính phủ Colombia đang tìm kiếm hòa bình với nhóm Segunda Marquetalia, gồm khoảng 1.600 thành viên, do ông Ivan Marquez - từng là nhà đàm phán hàng đầu của FARC trong thỏa thuận hòa bình lịch sử năm 2016, đứng đầu. Segunda Marquetalia hiện đã trở thành chính đảng mang tên Lực lượng Cách mạng thay thế. Sau thỏa thuận hòa bình lịch sử năm 2016, ông Marquez đã trở lại cuộc sống bình thường và được bầu làm Thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, năm 2019, ông đã hoạt động vũ trang trở lại. Tháng 5 vừa qua, ông xuất hiện trong một video bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Petro, sau khi nhóm Segunda Marquetalia nhất trí nối lại đàm phán.

Hiện, chi tiết về chương trình nghị sự của vòng đàm phán mới tại Caracas vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, theo thỏa thuận được ký vào tháng trước, các bên nhất trí tập trung thúc đẩy các thay đổi và cải cách vì hòa bình. Trước khi bắt đầu cuộc đàm phán, Tư lệnh quân đội Colombia, Tướng Helder Giraldo cho biết, đã có "sự xích lại gần nhau" trong việc đạt được lệnh ngừng bắn song phương. Trên mạng xã hội X, Văn phòng Ủy viên phụ trách hòa bình Colombia cho hay, thỏa thuận giữa Chính phủ Colombia và nhóm Segunda Marquetalia gồm 9 điểm và nhằm thúc đẩy “những thay đổi sâu sắc và cải cách dân chủ”, vì hòa bình của người dân và các vùng lãnh thổ của Colombia.

Nỗ lực hòa bình mới diễn ra trong bối cảnh bạo lực liên tiếp giữa các nhóm vũ trang ở Colombia, gây thiệt hại lớn cho dân thường. Theo báo cáo của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, đụng độ giữa các nhóm vũ trang đã gia tăng trong những tháng gần đây, khiến nhiều người phải di dời và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân.

Nhậm chức vào năm 2022 với chủ trương ưu tiên chấm dứt xung đột, Tổng thống Petro đã khởi xướng đàm phán với các nhóm vũ trang khác nhau, trong đó có Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) và lực lượng Estado Mayor Central (EMC), cũng tách ra từ FARC. Từ giữa năm ngoái, các chỉ huy của ELN đã ra lệnh ngừng các hành động tấn công chống lại lực lượng quân đội Colombia sau khi hai bên ký một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tháng. Tới đầu năm 2024, các bên tiếp tục nhất trí gia hạn lệnh ngừng bắn nhằm tạo tiền đề chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch tại quốc gia Nam Mỹ.

Trong khi đó, hồi đầu năm, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang EMC đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Theo đó, thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Colombia và EMC đã tạo điều kiện cho việc giải thoát các con tin và giảm xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng phiến quân.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, tiến trình hòa bình do ông Petro khởi xướng đang phải đối mặt nhiều trở ngại, trong đó có tình trạng các nhóm vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn với chính phủ để mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm địa bàn và tuyển mộ thành viên mới. Hiện, giao tranh giữa EMC và các nhóm vũ trang khác tại Colombia vẫn tăng lên khi các bên tranh giành quyền kiểm soát địa bàn hoạt động.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác trong đàm phán với các nhóm vũ trang chính là việc bàn thảo vấn đề chuyển đổi lãnh thổ hoặc tham gia xã hội trong tiến trình hòa bình. Nếu như không thỏa đáng, các cuộc đàm phán có thể rơi vào bế tắc và xung đột vũ trang tiếp tục nổ ra nhằm gây sức ép trên bàn thương lượng. Ông Raúl Rosende, phó đại diện đặc biệt thuộc Phái đoàn Xác minh của LHQ tại Colombia, nhấn mạnh rằng: “Đối thoại, ngay cả trong trung và dài hạn vẫn cần tạo ra những lợi ích và kết quả cụ thể”.