Áp lực tăng cao

Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Mỹ trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Trung Mỹ vào “xứ cờ hoa” hiện chưa có dấu hiệu suy giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAMSES
Biếm họa: RAMSES

AP dẫn lời giới chức cấp cao chính quyền Mỹ cho hay, sắc lệnh của Tổng thống Biden, dựa trên Đạo luật Di trú và Quốc tịch - trong đó có điều khoản cấm nhập cảnh Mỹ đối với người nước ngoài vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp, coi như có hiệu lực lập tức vì số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày hiện đã vượt quá 2.500 người. Mỹ sẽ mở lại biên giới một khi con số đó giảm xuống còn 1.500 người.

Trong cuộc họp báo qua điện thoại cùng ngày, một số quan chức Mỹ cấp cao cho hay: "Nhìn chung người vượt qua biên giới phía nam bất hợp pháp, hoặc không được phép, sẽ không hội đủ điều kiện xin tị nạn, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt". Tổng thống Biden ký sắc lệnh trên trong bối cảnh chính phủ đang chịu nhiều áp lực chính trị liên quan làn sóng người nhập cư ở biên giới phía nam giáp Mexico. Trong diễn văn công bố sắc lệnh tại Nhà trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh "biên giới không phải là vấn đề có thể dùng làm vũ khí chính trị".

Ông Biden đã cân nhắc hành động nói trên trong nhiều tháng, sau khi đạo luật lưỡng đảng nhằm hạn chế người xin tị nạn ở biên giới sụp đổ do hàng loạt đảng viên Cộng hòa rút khỏi thỏa thuận trước sự thúc giục của cựu Tổng thống Donald Trump - người dự kiến sẽ được đề cử là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc của đảng này vào tháng tới.

Dù số lượng người vượt biên bất hợp pháp ở biên giới Mỹ - Mexico phần nào giảm bớt trong vài tháng qua, một phần do nỗ lực tăng cường của nhà chức trách Mexico, song Tổng thống Biden vẫn tính tới việc tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn trong bối cảnh đây là một trong những chủ đề quan tâm hàng đầu của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 vào ngày 5/11 tới.

Trước khi ra sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn, theo CNN, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đẩy nhanh các vụ xét xử tại tòa đối với những đối tượng nhập cư trái phép là người trưởng thành độc thân bị bắt giữ khi tìm cách vượt qua biên giới Mỹ - Mexico. Theo đó, những người nhập cư trái phép này sẽ phải hầu tòa tại 5 thành phố gồm Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles và New York. Các thẩm phán phụ trách vấn đề nhập cư của Mỹ sẽ giải quyết đơn xin tị nạn của họ trong 180 ngày thay vì một quá trình có thể mất nhiều năm do lượng hồ sơ tồn đọng lớn.

Tổng thống Biden - thành viên đảng Dân chủ - đã thể hiện cứng rắn hơn trong cách tiếp cận vấn đề an ninh biên giới trong những tháng gần đây, khi vấn đề nhập cư trở thành áp lực lớn với Nhà trắng khi nổi lên là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trước thềm cuộc bầu cử. Đối thủ của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump - thành viên đảng Cộng hòa - đã chỉ trích đường lối của Tổng thống đương nhiệm và tuyên bố sẽ khôi phục các chính sách nghiêm ngặt nếu đắc cử.

Ngày 15/5 vừa qua, chính quyền Mỹ đã áp đặt hạn chế thị thực đối với hơn 250 thành viên Chính phủ Nicaragua và trừng phạt 3 thực thể của nước này liên quan hoạt động buôn người qua biên giới. Chính quyền Mỹ cũng dự định cuối năm nay sẽ hoàn thiện quy định được đề xuất trước đó cho phép các quan chức phụ trách vấn đề người tị nạn có quyền nhanh chóng từ chối yêu cầu của những người di cư bị kết tội nghiêm trọng, liên quan khủng bố hoặc gây nguy hiểm khác cho an ninh công cộng.

Trong khi đó, tại Panama, chính quyền mới của quốc gia Trung Mỹ này đang xem xét xây dựng các trạm kiểm soát mới dọc rừng rậm Darien Gap ở biên giới phía nam, nằm trên hành trình đầy nguy hiểm của người di cư tìm đường đến Mỹ. Năm 2023 đã ghi nhận số người di cư kỷ lục, 520.000 người, vượt qua rừng rậm Darien Gap nối với Colombia hướng đến Mỹ. Chính quyền Panama cho biết, sẽ xây dựng các trạm kiểm soát bổ sung, nơi có thể đưa ra yêu cầu trục xuất đối với người di cư, từ đó tiến tới đóng cửa tuyến đường di cư qua rừng rậm Darien Gap.