Tuyến di cư nguy hiểm

Ngày 1/7 tới, Tổng thống đắc cử Panama Jose Raul Mulino chính thức nhậm chức, với cam kết ngăn dòng người di cư bất hợp pháp qua Panama để đến Mỹ. Trước thềm thay đổi chính sách di cư của Panama, lượng người vượt biên trái phép vào nước này những tuần gần đây đột ngột tăng, bất chấp họ phải trải qua tuyến di cư được cho là nguy hiểm nhất thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư bất chấp nguy hiểm băng rừng Darien Gap để tới Mỹ. Ảnh: CNN
Người di cư bất chấp nguy hiểm băng rừng Darien Gap để tới Mỹ. Ảnh: CNN

Trong thông báo cuối tuần trước, Cơ quan Di trú quốc gia Panama (SNM) cho biết, trong sáu ngày đầu tháng 6 vừa qua, có tới 4.500 người di cư, trong đó có hơn 900 trẻ em, đã nhập cảnh trái phép vào Panama qua khu vực đầm lầy và rừng rậm Darien Gap ở miền nam Panama, giáp biên giới Colombia. Theo SNM, trong 5 tháng đầu năm 2024, hơn 170.000 đã đi qua tuyến di cư nguy hiểm này vào Panama để tìm đường đến Mỹ. Con số trên tăng 2% so mức cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng mạnh so con số gần 33.830 người năm 2022.

Giữa tháng 5 vừa qua, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng công bố báo cáo chỉ rõ tình trạng gia tăng bất thường (khoảng 40%) số vụ trẻ em di cư qua khu vực Darien Gap của Panama. Theo UNICEF, khoảng 30.000 trẻ em và người dưới 18 tuổi đã đi xuyên rừng rậm để vào Panama, trong đó nhiều người mất mạng. UNICEF ước tính, từ đầu năm đến tháng 5 vừa qua, ít nhất 150.000 người di cư đã vượt hành trình nguy hiểm này.

Nằm ở cuối khu vực Trung Mỹ và có chiều dài 265 km, nhưng không có đường hay lối mòn, khu vực Darien Gap được đánh giá là một trong những nơi có môi trường nguy hiểm nhất thế giới, với địa hình núi hiểm trở, đầm lầy, rừng rậm và nhiều rắn độc. Tuy vậy, tuyến đường nguy hiểm này vẫn được nhiều người di cư từ các nước Nam Mỹ chấp nhận rủi ro lựa chọn, bởi đây là con đường ngắn nhất so đường biển, trong khi chi phí lại thấp hơn. Từ Colombia vượt biên vào Panama, người di cư tiếp tục hành trình tới Costa Rica, Nicaragua, Mexico và đích cuối là Mỹ.

Trong khi đó, các báo cáo về người di cư ở Darien Gap bị tấn công, bị cướp, bị sát hại và chết đuối khi vượt những dòng sông chảy xiết ngày càng nhiều. Nhưng chưa có con số thống kê chính xác về số người di cư bỏ mạng trên hành trình vượt khu rừng này.

Theo giới chức Panama, tuyến di cư qua Darien Gap phổ biến hơn trong những năm gần đây, một phần do hoạt động của các băng nhóm tội phạm buôn người. Trưởng phái đoàn Panama tại Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Giuseppe Loprete nêu rõ: “Không thể tiếp cận các tuyến hợp pháp, ngày càng nhiều người di cư chuyển sang các mạng lưới tội phạm buôn người, lựa chọn các tuyến đường nguy hiểm và bị lừa bởi thông tin sai lệch”.

LHQ thống kê, năm 2022 ghi nhận kỷ lục về số người di cư vượt qua Darien Gap vào Panama, với khoảng 520.000 người, từ Venezuela, các nước Mỹ latin và cả các nước châu Phi, châu Á. UNICEF dự báo, số người di cư qua tuyến Darien Gap tăng lên 800.000 người vào cuối năm nay, trong đó có khoảng 160.000 trẻ em. Giới chức Panama cũng cảnh báo, quy mô dòng người di cư trái phép vào nước này năm 2024 sẽ tăng ít nhất 20%.

Đóng cửa tuyến di cư qua rừng rậm Darien là cam kết tranh cử nổi bật đem lại chiến thắng cho Tổng thống đắc cử Rose Raul Munilo. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất của đài phát thanh của Colombia, ông Munilo tiếp tục nhắc lại cam kết sẽ buộc những người di cư trở về quê hương, đồng thời xóa sổ tuyến đường di cư bất hợp pháp qua Darien Gap. Ông khẳng định: “Khu rừng Darien và Panama không thể là tuyến đường quá cảnh. Đó là biên giới của chúng tôi!”.

Theo SNM, chính quyền Panama đang xem xét xây dựng các trạm kiểm soát mới dọc tuyến di cư Darien Gap. Việc bổ sung các trạm kiểm soát đã được giới chức an ninh Panama thông báo hồi cuối tháng 5, cùng với cảnh báo trục xuất người di cư trái phép. Các kế hoạch chi tiết sẽ được công bố sau khi Tổng thống Munilo nhậm chức ngày 1/7 tới.