Không bỏ lại ai ở phía sau

Tổ chức từ thiện Oxfam mới đây kêu gọi các quốc gia giàu có tăng cường chi tiêu để chấm dứt nạn đói. Lời kêu gọi này được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), dự kiến diễn ra ở Italy vào hôm nay (13/6).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: STEVE GREENBERG
Biếm họa: STEVE GREENBERG

Oxfam ước tính mỗi năm sẽ cần 31,7 tỷ USD để chấm dứt nạn đói toàn cầu, trong khi mức giảm nợ của G7 cho những nước nghèo nhất chỉ là 4 tỷ USD. Đáng chú ý, những con số này chỉ chiếm 2,9% trong 1.200 tỷ USD mà nhóm G7 đã chi cho chi tiêu quân sự vào năm ngoái. Ông Max Lawson, người đứng đầu bộ phận chính sách bất bình đẳng của Oxfam, cho rằng các chính phủ có đủ tài chính chi tiêu cho quân sự, nhưng lại do dự trong việc sử dụng nguồn lực để chấm dứt nghèo đói.

Theo chỉ số xếp loại an ninh lương thực IPC, hiện có 167 triệu người trên thế giới đang phải trải qua nạn đói ở mức khủng hoảng hoặc nghiêm trọng hơn. Việc thiếu vốn đã cản trở các tổ chức từ thiện như Oxfam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và có khả năng buộc họ phải giảm quy mô hoạt động. Do đó, Oxfam đã kêu gọi G7 tạm dừng xuất khẩu vũ khí, tăng thuế đối với giới siêu giàu hay giảm nợ cho các nước nghèo để phân bổ thêm vốn cho việc phát triển và thực hiện các cam kết viện trợ và khí hậu còn tồn đọng.

Oxfam ước tính, các quốc gia G7 đang nợ các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu khoảng 15.000 tỷ USD liên quan các cam kết viện trợ và tài chính khí hậu chưa được thực hiện. Ông Lawson tin rằng, chỉ một cam kết nhỏ từ các quốc gia giàu có cũng sẽ có tiềm năng tác động đáng kể trong việc giải quyết nạn đói toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên quan.

Theo số liệu của LHQ, đến cuối năm 2023, hơn 8% dân số thế giới, tương đương gần 700 triệu người vẫn sống trong nghèo đói cùng cực, qua đó xóa bỏ thành quả 3 năm qua về giảm đói nghèo. Nếu xu hướng hiện nay kéo dài, đến năm 2030, sẽ có 7% dân số thế giới, tương đương 575 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và chỉ có một phần ba số quốc gia giảm được một nửa tỷ lệ nghèo đói trong nước. Bên cạnh xung đột, hậu quả của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thì thực trạng thiếu cơ hội việc làm ổn định, bền vững đang là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không thể thoát khỏi vòng xoáy đói nghèo.

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho hay, những người nghèo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức - vốn không có đủ việc làm ổn định để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Cụ thể, có 50% lực lượng lao động tại khu vực Đông Á làm việc trong khu vực phi chính thức, trong khi con số này tại Đông Nam Á là gần 75% và Nam Á là gần 90%.

Còn theo thống kê của LHQ, trên toàn cầu có gần 300 triệu người trong độ tuổi 15-24 không được tiếp cận giáo dục, đào tạo và việc làm. Trong thập niên tới, ước tính có 1 tỷ người sẽ tham gia thị trường lao động, nhưng triển vọng tìm việc làm ổn định và bền vững cho phần lớn trong số họ lại mong manh. Điều này sẽ khiến mục tiêu chấm dứt đói nghèo cùng cực, tạo việc làm đầy đủ, năng suất, công việc tốt cho tất cả mọi người vào năm 2030 - những mục tiêu then chốt của Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 - càng trở nên xa vời.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres từng khẳng định, chấm dứt nghèo đói là thách thức của thời đại, nhưng cũng là thách thức có thể vượt qua. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở bởi các nước đều đang nỗ lực phối hợp để tạo việc làm ổn định, mức lương công bằng, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân. Đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm là một trong những giải pháp trọng tâm tạo cuộc sống ổn định cho người nghèo, giúp họ có thể tự tin hoạch định tương lai và nâng cao phẩm giá.

Với vai trò là những “đầu tàu” kinh tế của thế giới, các thành viên G7 không thể chỉ lo phát triển cho riêng mình mà còn có trách nhiệm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là không chỉ là giãn hay xóa nợ, G7 cần tạo sinh kế bền vững cho các nước nghèo nhằm giảm đói nghèo và bất bình đẳng.