Cục diện mới trên chính trường Mỹ

Ngày 22/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2024, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách làm ứng cử viên của đảng Dân chủ, đối đầu ứng cử viên của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARCO DE ANGELIS
Biếm họa: MARCO DE ANGELIS

Theo AP, bài viết của Tổng thống Biden đăng trên mạng xã hội X có đoạn: “Tôi đã quyết định không chấp nhận đề cử ứng cử viên đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, thay vào đó tôi bày tỏ sự ủng hộ dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng trong năm nay. Tôi muốn dành toàn bộ năng lượng trên cương vị Tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để thực hiện những nhiệm vụ còn dang dở”. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh, đã đến lúc đảng Dân chủ phải đoàn kết lại và đánh bại ông Trump.

Theo nhận định của giới phân tích, quyết định trên của ông Biden là kết thúc đầy bất ngờ đối với sự nghiệp chính trị kéo dài 50 năm qua của “ông chủ” thứ 46 tại Nhà trắng, qua đó cho thấy Tổng thống Biden, 81 tuổi, đã phải nhượng bộ trước sức ép từ nội bộ đảng Dân chủ muốn ông từ bỏ cuộc đua sau cuộc đối đáp đáng thất vọng trong màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ Trump hôm 27/6 vừa qua.

Ngoài ra, Tổng thống Biden còn phải hứng chịu áp lực ngày càng lớn từ nội bộ đảng Dân chủ muốn ông rút lui để nhường chỗ cho một ứng cử viên trẻ trung, năng động hơn, có khả năng đối đầu với cựu Tổng thống Trump. Đến nay, đã có ít nhất 5 thượng nghị sĩ và hơn 30 hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ công khai kêu gọi Tổng thống Biden dừng bước và trao cơ hội cho một ứng cử viên khác, khi cho rằng ông ít có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Một số nhân vật có tiếng nói trong đảng Dân chủ có thể kể tên như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay cựu Tổng thống Barrack Obama đã thẳng thắn bày tỏ lo ngại với Tổng thống Biden về cơ hội của ông trong cuộc bầu cử ngày 5/11 tới trước đối thủ Trump, bởi sau vụ ám sát hụt vừa qua, ông Trump dường như đang ghi thêm điểm với cử tri Mỹ khi bày tỏ ý chí không khuất phục trước những mưu đồ phá hoại và bạo lực.

Các nhà phân tích nhận định, Phó Tổng thống Harris đang nắm giữ một số lợi thế rõ ràng khi bà nằm trong danh sách ứng cử viên chiến thắng vào năm 2020. Bà cũng là người nhận được hàng triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm nay. Ngoài ra, bà đã vận động tranh cử trong nhiều tháng tại các bang dao động, là gương mặt đại diện cho nỗ lực thúc đẩy quyền phá thai của phụ nữ và điều quan trọng nhất, bà là ứng cử viên duy nhất có thể tiếp cận nguồn tài chính mà chiến dịch tranh cử của Biden-Harris đã tích lũy được. Trước đó, nhiều nhà lập pháp Dân chủ đã công khai tuyên bố sẽ ủng hộ bà Harris làm ứng cử viên của đảng nếu ông Biden rút lui.

Tuy nhiên, Hiệp hội các ủy ban đảng Dân chủ Mỹ cấp bang ngày 21/7 vừa qua tuyên bố ủng hộ bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh cử với ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà trắng. Theo CNN, trong một thông báo, ông Ken Martin - Chủ tịch Hiệp hội các ủy ban đảng Dân chủ Mỹ cấp bang - nêu rõ tất cả thành viên của hiệp hội hoàn toàn nhất trí ủng hộ bà Harris - một người đã trải qua nhiều thử thách cam go và chứng minh được năng lực trong thực tiễn.

Trước ngày 7/8 tới, giới chức cấp cao đảng Dân chủ Mỹ thông báo sẽ bầu chọn ứng cử viên Tổng thống, tức là trước khi diễn ra đại hội toàn quốc của đảng này, dự kiến được tổ chức tại thành phố Chicago từ ngày 19 đến 22/8. Trao đổi ý kiến với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) Jaime Harrison xác nhận, một cuộc bỏ phiếu trực tuyến dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 5/8 và quá trình bầu người đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống năm nay sẽ hoàn tất không muộn hơn ngày 7/8.

Dù phe Dân chủ đã “thay ngựa giữa dòng”, song chưa có gì bảo đảm đảng này sẽ giành ưu thế trước đảng Cộng hòa. Từ nay tới thời điểm chính thức tranh cử, giới quan sát dự đoán cục diện hiện nay trên chính trường Mỹ sẽ tiềm ẩn những thay đổi bất ngờ.