Nâng cao hiệu quả trồng rừng

Việc trồng rừng trong mỗi mùa xuân vẫn đang được các địa phương tổ chức. Tuy nhiên, làm thế nào để có những cánh rừng xanh mãi, chứ không phải lấy việc trồng rừng rộn ràng như “hội diễn mùa xuân”.
0:00 / 0:00
0:00
Cần nâng cao hiệu quả của việc trồng rừng mỗi dịp xuân.
Cần nâng cao hiệu quả của việc trồng rừng mỗi dịp xuân.

Hiệu quả chưa cao

Lược qua một vài tỉnh, thành phố về kết quả trồng rừng trong mùa xuân năm nay, tỉnh Hà Tĩnh trồng được 8.600 ha, tỉnh Quảng Ninh trồng được 3.370 ha, tỉnh Lào Cai trồng được 1.700 ha, tỉnh Yên Bái trồng được 15 nghìn ha, tỉnh Kon Tum trồng được 4.730 ha… Như vậy tỉnh nào cũng có số liệu trên vài nghìn ha. Và kế hoạch trồng rừng đầu năm đã phát động hơn 10 năm nay nhưng vì sao rừng vẫn mất đi, đất trống vẫn lộ ra khá nhiều, mắt thường quan sát cũng rút ra nhận xét, hiệu quả của việc trồng rừng hình như chỉ hiện diện trên giấy!

Về việc trồng rừng này, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Xuân Tiệp, Trung tâm Lan Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Nó không nằm trong tình yêu của việc trồng rừng mà là một cuộc trình diễn của các đơn vị ban ngành đoàn thể. Tổng kết mỗi đợt trồng rừng đương nhiên có số lượng cây cụ thể, có diện tích cụ thể, nhưng hiệu quả của việc trồng rừng lại không cụ thể chút nào”.

Thí dụ về việc trồng rừng hiệu quả, có một cánh rừng đẹp, ông Tiệp cho hay: “Trước đây, người dân huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh trồng rừng ngập mặn trong huyện để bù lấp lại khoảng rừng bị tàn phá sau chiến tranh. Cánh rừng đó, nay ai đến cũng phải trầm trồ vì vẻ đẹp của nó. Trồng rừng là phải trồng đúng cây, đúng đất, chứ không phải một số ít cây gỗ, còn lại là cây keo. Đếm cây thì đúng số lượng nhưng bảy hoặc 10 năm sau, người ta lại lập kế hoạch khai thác keo, rồi tiện đó chặt nốt mấy cây gỗ, rồi lại trồng lứa khác. Một vòng luẩn quẩn”.

Như vậy, việc trồng rừng thì rất đáng khen nhưng việc lựa chọn cây trồng có tính bền vững và khôi phục lại những cánh rừng đã mất cần căn cơ điều gì? Ông Tiệp, cho hay: “Trước hết, một số dự án trồng rừng thường thiếu sự quản lý hiệu quả sau khi cây đã được trồng, tỷ lệ sống và tăng trưởng của cây rừng thấp, không đạt được mục tiêu về diện tích rừng phục hồi. Thứ hai, việc chọn lựa cây trồng không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Thứ ba, sự tham gia của cộng đồng địa phương và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương có thể không đạt được mức độ cần thiết. Thiếu sự cam kết và hỗ trợ từ cả hai bên có thể làm giảm hiệu quả của các dự án trồng rừng”.

Thử bàn về việc này, nếu trồng loại cây khác là cây bản địa có tính bền vững hơn, thì chí ít, cánh rừng đó cũng tồn tại được 50 năm hoặc 100 năm? Nhưng, năm nào cũng trồng rừng, càng phát động trồng rừng, đồng nghĩa với mỗi năm mới, mỗi địa phương lại có thêm nhiều đất trống mới để trồng rừng, vậy kết luận hài hước rằng, việc trồng rừng đó, nó là “những cánh rừng ma” chăng?

Trồng rừng cần bền vững

Ông Lương Minh Khái, thường trú tại xã Cát Vân (Như Xuân, Thanh Hóa), chia sẻ: “Tôi thấy họ trồng cây tính theo giờ, mỗi giờ trồng được bao nhiêu cây, mỗi ngày trồng được bao nhiêu ha… Trồng cây rừng mà cứ như chuyện trồng sắn vậy!”.

Trong kế hoạch trồng cây rừng mùa xuân luôn kèm theo những tuyên truyền rằng trung hòa khí các-bon và phòng chống lũ, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên tự nhiên. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch trồng rừng không hiệu quả có thể xuất phát từ một số vấn đề mà nhiều kỹ sư nông-lâm nghiệp tổng kết: “Thiếu sự hỗ trợ và chỉ đạo từ phía chính phủ gây ra sự mập mờ trong việc triển khai kế hoạch trồng rừng nên cây trồng vẫn là trồng hộ keo cho nhà hàng xóm. Cách thức trồng rừng, trồng cây gì có tính bền vững trên một diện tích thu hẹp nhưng phải rõ ràng và hiệu quả để bảo đảm sự thành công của các dự án trồng rừng”.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta còn khoảng hai triệu ha đất trống, đất hoang và đất liên tỉnh bỏ hoang. Đây là diện tích tiềm năng cho việc trồng rừng mới và tái tạo rừng. Về diện tích trồng mới và trồng lại rừng ở nước ta tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 238 nghìn ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, việc trồng rừng cần phải được thực hiện một cách bền vững và có kế hoạch, cùng với sự quản lý hiệu quả để bảo đảm sự phát triển lâu dài của nguồn tài nguyên rừng.