Mục tiêu tái thiết lòng tin

Xây dựng lại lòng tin là chủ đề nổi bật tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), từ ngày 15 đến 19/1/2024. Các nhà lãnh đạo chính trị, cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp bàn về hợp tác giải quyết thách thức toàn cầu, như tăng trưởng kinh tế, hành động khí hậu, an ninh năng lượng, quản trị công nghệ và phát triển con người.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên khai mạc WEF tại Davos. Ảnh: REUTERS
Phiên khai mạc WEF tại Davos. Ảnh: REUTERS

Hơn 3.000 đại biểu tham dự Hội nghị WEF năm 2024, trong đó có khoảng 70 lãnh đạo quốc gia, 250 Bộ trưởng, 2.500 lãnh đạo tập đoàn, tổ chức quốc tế và nhiều học giả, chuyên gia. Diễn ra trong bối cảnh thời đại thay đổi nhanh chóng, thế giới phân mảng ngày càng rõ rệt, hội nghị tập trung chủ đề hàn gắn lòng tin, qua đó tìm ra các giải pháp sáng tạo và thiết thực, nhằm khôi phục và tái định hình hợp tác cần thiết, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế và an ninh. Hội nghị đề cao và khuyến khích trở lại những nguyên tắc cơ bản của đối thoại cởi mở, mang tính xây dựng giữa các nhà lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Theo Chủ tịch WEF Borge Brende, Diễn đàn cung cấp cơ sở, tạo nền tảng để nghiên cứu, phát triển các khuôn khổ hợp tác theo định hướng sứ mệnh chung cho cả năm 2024. Với chủ đề “tái thiết lòng tin”, Hội nghị lần này hướng tới bốn mục tiêu gồm: Đạt được an ninh và hợp tác trong thế giới rạn nứt; Tạo tăng trưởng và việc làm trong kỷ nguyên mới; Thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; và Thúc đẩy chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.

Mục tiêu về an ninh và hợp tác được đánh giá là điểm quan trọng nhất, khi thế giới đang đối mặt xung đột tiếp diễn tại Ukraine, khủng hoảng Israel-Hamas có nguy cơ lan rộng, kéo theo căng thẳng đe dọa hoạt động vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ. Bối cảnh phức tạp hiện nay càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về hợp tác toàn cầu nhằm xác định, ngăn chặn và quản lý rủi ro do xung đột.

Nhiệm vụ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trở nên phức tạp hơn, trong bối cảnh nhiều báo cáo dự báo cho thấy kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt một năm bất ổn, tăng trưởng bị kìm hãm do căng thẳng địa chính trị, các điều kiện tài chính thắt chặt và tác động của AI gây lo ngại. Theo kết quả khảo sát được công bố ngay trước thềm Hội nghị, khoảng 56% số ý kiến chuyên gia cho rằng, các điều kiện kinh tế toàn cầu về tổng thể suy yếu trong năm 2024, với mức độ phân hóa rõ rệt theo khu vực.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kích hoạt tăng trưởng toàn cầu là điều cần thiết để giải quyết thách thức then chốt, song chỉ thúc đẩy tăng trưởng đơn thuần là chưa đủ. Hội nghị WEF ưu tiên tìm các cách thức để chính phủ và doanh nghiệp có thể cùng nhau tạo ra chiến lược lấy con người làm trung tâm, tạo không gian cho nhiều việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

AI tác động không đồng đều đối với các nền kinh tế. Có 94% số chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của WEF dự báo AI thúc đẩy đáng kể năng suất ở các nền kinh tế thu nhập cao, chỉ 53% số ý kiến đánh giá tương tự đối với các nền kinh tế thu nhập thấp. WEF sẽ thúc đẩy sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp sử dụng công nghệ và công cụ dựa trên AI để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện chuỗi cung ứng, dự đoán tốt hơn về rủi ro thiên tai, cũng như tăng cường tính minh bạch và hợp tác giữa các quốc gia.

Với mục tiêu khí hậu, WEF tập trung thảo luận việc tạo ra và cải tiến các phương pháp bền vững để tiến gần hơn một bước tới mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2050, trong khi vẫn có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên an toàn, hiệu quả, với giá cả hợp lý.

Chia sẻ về thách thức trong năm 2024, Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của WEF nói: “Chúng ta đang đối mặt với một thế giới rạn nứt và xã hội chia rẽ ngày càng gia tăng, dẫn đến sự bất ổn và tâm trạng bi quan lan rộng. Chúng ta phải xây dựng lại niềm tin vào tương lai bằng cách vượt ra ngoài khuôn khổ quản lý khủng hoảng hiện tại, mà xem xét nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề và cùng nhau xây dựng lại một tương lai tốt hơn”.