Nhìn từ Liên hoan châu Âu gặp châu Á trong Múa đương đại

Múa đương đại Việt Nam vẫn ở bước khởi đầu?

Ðã là lần thứ tư, liên hoan (LH) này được tổ chức (từ ngày 24 đến 28-9-2014, tại Hà Nội). Qua một kỳ liên hoan, lại thêm nhiều sự mới mẻ, thú vị, nhiều cơ hội hợp tác mở rộng và nâng cao nhận thức cho phía nghệ sĩ Việt Nam. Cũng nối dài thêm những băn khoăn về một loại hình nghệ thuật tuy đã hiện diện ở Việt Nam từ hơn 30 năm trước nhưng cho đến nay, dường như vẫn còn quá nhiều lạ lẫm.

Các diễn viên tập vở Hà Nội - Những bụi sao, một tiết mục hợp tác Việt - Đức trong liên hoan năm nay. Ảnh: Viện Goethe Hà Nội
Các diễn viên tập vở Hà Nội - Những bụi sao, một tiết mục hợp tác Việt - Đức trong liên hoan năm nay. Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Cơ may cho múa đương đại

Liên hoan múa có tên ban đầu là Múa đương đại - châu Âu gặp Việt Nam, khởi sự từ tháng 9-2011 với ba thành viên: Viện Goethe Hà Nội, phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB).

Theo bà Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, thành công của vở nhạc kịch Người đi qua thung lũng với sự tham gia của hàng trăm con người ở cả hai phía Ðức - Việt, sự kiện khép lại năm Ðức - Việt tại Việt Nam 2010, đã mở ra ý tưởng cho LH múa đương đại châu Âu gặp Việt Nam. Ðến nay, LH được xem như một sáng kiến chung của EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và Ðại sứ quán châu Âu tại Việt Nam. Cho đến mùa liên hoan thứ ba năm 2013, tên của nó đã được đổi thành châu Âu gặp châu Á trong múa đương đại, với sự tham gia của bảy nước và Nhật Bản là nước châu Á thứ hai, bên cạnh Việt Nam.

Nhìn nhận một cách tích cực và cởi mở, LH là một cơ may cho sự phát triển đa dạng của nghệ thuật Việt Nam nói chung. Từ cuối những năm 1998, múa đương đại đã hiện diện ở Việt Nam thông qua hợp tác Việt Nam và Ô-xtrây-li-a và kết quả là một số nghệ sĩ và biên đạo múa đương đại đầu tiên của Việt Nam đã được đào tạo ở Ô-xtrây-li-a, như NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc VNOB hiện nay hay Trần Ly Ly, Phó Hiệu trưởng Trường múa TP Hồ Chí Minh, một nghệ sĩ có nhiều đóng góp tích cực. Tiếp theo là những hợp tác đào tạo với phía Pháp và một số nghệ sĩ trưởng thành từ đó như Lê Vũ Long, Lưu Thu Lan...

Tuy nhiên, sự nỗ lực của các cá nhân nghệ sĩ qua một số hoạt động mang tính đơn lẻ chưa tạo được sức sống mạnh mẽ cho múa đương đại ở Việt Nam. Ðây chính là một nguyên do khiến cho các thành viên EUNIC càng mong muốn có thể tiếp tục đóng góp hỗ trợ cho Việt Nam phát triển những loại hình nghệ thuật mới mẻ, mang tinh thần hội nhập toàn cầu. Như lời của chị Ðỗ Kim Oanh, phụ trách bộ phận Văn hóa của phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam: "Nếu có dịp gặp gỡ, chứng kiến và đối thoại với các nghệ sĩ Việt Nam riêng trong lĩnh vực múa đương đại như tôi, một trợ lý phiên dịch cho các nghệ sĩ Bỉ, sẽ thấy rất rõ khát vọng được thay đổi trong lao động nghệ thuật của họ và khát vọng ấy thật sự truyền lại nhiệt huyết cho cho các nghệ sĩ Bỉ".

Bước khởi đầu quá dài của múa đương đại Việt Nam?

Sau ba kỳ liên hoan với sự tham gia duy nhất của các nghệ sĩ VNOB, năm nay Trường múa TP Hồ Chí Minh đã không bỏ qua cơ hội cọ xát quốc tế này với tác phẩm 7X. Bên cạnh đó, mức độ chuyên sâu trong các tiết mục hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam với biên đạo múa Bỉ, Ðức đã được đẩy mạnh hơn thông qua việc cùng nhau xây dựng những tiết mục múa đơn hoặc những phân đoạn múa độc lập trong cùng một tác phẩm có nhiều diễn viên. Ðây là sự hợp tác khai thác hết mức có thể khả năng cảm nhận và vượt qua những thay đổi của cảm xúc, những giới hạn vận động của cơ thể và đặc biệt là những sự phá vỡ biên giới thẩm mỹ trong tạo hình múa. Ðiều này phần nào thể hiện sự tiến bộ của phía nghệ sĩ Việt Nam mà phía bạn, những người muốn trao cho ta một cơ hội phát triển nghệ thuật, nhận ra được.

Mặc dù vậy, nhìn trên một bình diện rộng hơn, có vẻ như phía Việt Nam nói chung vẫn có một sự thụ động trong việc tiếp nhận cơ hội hợp tác này. Phía bạn nỗ lực thuyết phục nghệ sĩ danh tiếng của họ dành thời gian cho Việt Nam mà với họ là một miền đất quá xa lạ của múa đương đại. Phía bạn chịu mọi chi phí cho nghệ sĩ của họ và thậm chí còn tiếp tục chịu thêm chi phí thuê lại rạp diễn của ta cho bốn, năm đêm múa hoàn toàn miễn phí cho khán giả của chúng ta. Bên cạnh đó, sau mỗi kỳ LH, các nghệ sĩ đã từng có những khoảng thời gian tận lực, tận tâm dành cho múa đương đại dường như lại hẫng hụt khi trở về với thực tế. Không có thêm cơ hội nào do chính chúng ta tự tạo ra để tiếp tục tận dụng những trải nghiệm nghề nghiệp mới mẻ, và lại chờ đến một kỳ LH khác xem mình có được lựa chọn tham dự hay không...

Phải chăng, sự thụ động chính là nguyên do khiến cho múa đương đại Việt Nam từng có bước đi sơ khởi từ gần 30 năm trước, nay vẫn tiếp tục nối dài bước đi này?