Kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Một cuộc chiến tranh bắt buộc

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nhưng không phải ai cũng nhận diện được đầy đủ nguyên nhân cũng như tính chất của nó. một cuộc chiến tranh tuy hạn chế về không gian và thời gian nhưng hết sức tàn khốc; một cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của mình và cứu nhân dân Cam-pu-chia anh em thoát khỏi họa diệt chủng.

Cán bộ chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18 phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang (tháng 7-1978). Ảnh: TRỌNG HỘI
Cán bộ chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18 phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang (tháng 7-1978). Ảnh: TRỌNG HỘI

Sau ngót một phần ba thế kỷ liên tục tiến hành kháng chiến giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam vừa được sống trong hòa bình, đang dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực khôi phục và xây dựng lại đất nước thì tiếng súng của quân xâm lược lại rền vang, thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Một lần nữa quân và dân ta buộc phải cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Đêm 30-4-1977, giữa lúc nhân dân Việt Nam đang hân hoan kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thì tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari bất ngờ mở cuộc tiến công trên tuyến biên giới tỉnh An Giang, sau đó mở rộng ra toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam, trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phá hoại cơ sở hạ tầng, các cơ sở kinh tế và tàn sát những người dân vô tội dọc tuyến biên giới. Hành động đó chính thức mở đầu cho một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhằm vào Việt Nam của quân Khmer Đỏ.

Những đốm lửa khơi mào cho cuộc chiến tranh ấy, thực tế, đã được nhen nhóm từ trước đó rất lâu, rõ nhất là từ đầu tháng 5-1975, lợi dụng lúc Việt Nam đang tập trung ổn định tình hình những ngày đầu mới giải phóng, Pôn Pốt đã đưa một tiểu đoàn áp sát thăm dò hòng đánh chiếm đảo Phú Quốc nhưng kế hoạch bất thành do tinh thần cảnh giác cao và thái độ kiên quyết của quân và dân trên đảo. Một tuần sau đó chúng lại bất ngờ tiến công và đánh chiếm đảo Thổ Châu, bắt đi hơn 500 người dân vô tội. Từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1978, quân Khmer Đỏ đã tiến hành 9.872 vụ xâm lấn biên giới của Việt Nam, có chỗ sâu vào nội địa 15-20 km; giết hại hơn 5.200 thường dân, bắt và mang đi thủ tiêu hơn 20.700 người; đốt phá hơn 21.200 nóc nhà, trường học, bệnh viện, chùa chiền… làm cho hơn 400.000 người dân sinh sống dọc biên giới phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi lánh nạn. Những cuộc tiến công xâm lược của quân Khmer Đỏ không phải là hành động bột phát, mà đã có sự chuẩn bị, mang tính hệ thống với quy mô ngày càng lớn, mật độ ngày càng dày, mức độ nguy hiểm và tàn bạo ngày càng gia tăng… Đáng chú ý là các cuộc tiến công lấn chiếm biên giới của quân Khmer Đỏ trên tuyến biên giới Tây Nam gia tăng tỷ lệ thuận với các cuộc xung đột trên tuyến biên giới phía bắc, buộc Việt Nam phải căng sức đối phó ở cả hai đầu biên giới.

Tại sao tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari lại hận thù với Việt Nam và có thể ngang nhiên, liều lĩnh mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến như vậy? Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ đường lối phản động, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của chính tập đoàn Pôn Pốt. Cùng với đó là sự lôi kéo, hậu thuẫn và “chống lưng” của tập đoàn bành trướng nước ngoài hòng mượn tay Khmer Đỏ thông qua cuộc chiến tranh này để thực hiện những toan tính chiến lược nhằm làm cho Việt Nam mất ổn định, đi đến chỗ suy yếu mà phải quy phục, ngã vào quỹ đạo của họ.

Ngay từ năm 1963, sau khi Pôn Pốt - Iêng Xari lên nắm quyền lãnh đạo, quan hệ giữa hai Đảng bắt đầu ngày một xấu đi. Tuy nhiên, những năm sau đó, để lợi dụng cách mạng Việt Nam chống Mỹ, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari vẫn cố tình che giấu dã tâm thâm độc bằng chính sách hai mặt. Những năm 1966-1970, khi mà Khmer Đỏ bộc lộ rõ sự sùng bái chủ nghĩa Mao; không ngừng nhận được sự giúp đỡ về chính trị, tư tưởng, vật chất từ nước ngoài thì sự thù địch đối với Việt Nam bắt đầu bộc lộ một cách trắng trợn. Pôn Pốt yêu cầu Việt Nam xóa bỏ các căn cứ hậu cần trên lãnh thổ Cam-pu-chia; kích động Lon Non - Thủ tướng phái hữu Cam-pu-chia lúc bấy giờ ra tối hậu thư đòi các lực lượng của Việt Nam phải rời khỏi Cam-pu-chia trong vòng 48 giờ, đóng cửa cảng Xi-ha-núc-vin với Việt Nam… Ngày 28-4-1970, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari ra nghị quyết tái nhắc lại yêu cầu các lực lượng vũ trang Việt Nam phải rút khỏi Cam-pu-chia. Kể từ đây, Khmer Đỏ bắt đầu công khai chống phá Việt Nam ngày càng quyết liệt.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, đặc biệt là sự gia tăng các hành động gây hấn của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương, một mặt kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia; mặt khác kiên trì tìm mọi cách cứu vãn hòa bình để có thể ngăn các cuộc xung đột vũ trang không phát triển thành cuộc chiến tranh không mong muốn. Chính phủ Việt Nam đã kịp thời vạch mặt Khmer Đỏ, đồng thời không ít lần đề nghị hai bên gặp nhau càng sớm càng tốt, bất cứ cấp nào để giải quyết vấn đề biên giới nhưng Khmer Đỏ đã cự tuyệt tất cả mọi đề nghị thương lượng của phía Việt Nam, tiếp tục đẩy các cuộc xung đột vũ trang lên cao trào, biến thành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

Mọi sự nín nhịn, kìm nén đều có giới hạn, trên cơ sở xác định tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra, Bộ Chính trị chủ trương phát động cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và động viên quân và dân ta kiên quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này. Từ tháng 5-1977 đến tháng 6-1978, lợi dụng chủ trương giải quyết xung đột bằng con đường đàm phán hòa bình của Đảng và Chính phủ Việt Nam, Pôn Pốt ráo riết triển khai lực lượng tiến công xâm chiếm đất đai, tàn sát dân thường, gây cho quân và dân Việt Nam nhiều tổn thất. Ngày 5-12-1977, Lực lượng vũ trang của Việt Nam mở cuộc phản công lớn đánh bật quân Khmer Đỏ qua bên kia biên giới, sau đó rút về; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tính mạng tài sản cho nhân dân; tạo đà thoát khỏi thế bị động.

Sau khi bị Lực lượng vũ trang Việt Nam giáng trả gây thiệt hại lớn, tháng 12-1978, Pôn Pốt buộc phải chính thức công khai cuộc chiến tranh, vu cáo và cô lập Việt Nam, tạo điểm nóng trong khu vực. Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, một mặt đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ, vu cáo Việt Nam; mặt khác ráo riết tập trung lực lượng để tiếp tục mở các cuộc tiến công mới vào lãnh thổ Việt Nam. Chúng đã đưa 19 trên tổng số 24 sư đoàn hiện có ra bố trí dọc tuyến biên giới với Việt Nam.

Ngày 2-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được thành lập. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận, ngày 23-12-1978, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định mở cuộc tổng phản công chiến lược truy kích kẻ địch vào tận hang ổ của chúng.

Để tiến hành thắng lợi cuộc phản công mang tính quyết định này, ta đã tập trung một lực lượng quân binh chủng hợp thành áp đảo, trong vòng hai tuần lễ cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia chọc thủng các tuyến phòng thủ của quân Khmer Đỏ, đè bẹp sức đề kháng của chúng, tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ phản động Pôn Pốt, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.

Sau ngày 7-1, đáp ứng yêu cầu của chính quyền cách mạng, nguyện vọng của nhân dân Cam-pu-chia, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam đã ở lại làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Cam-pu-chia bảo vệ thành quả cách mạng cho đến tháng 9-1989 mới rút toàn bộ về nước.

40 năm đã trôi qua kể từ ngày biên giới Tây Nam im tiếng súng. Nhận diện đúng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam để đúc rút những bài học lịch sử, để hướng tới tương lai - một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977 - 1979) đã có 12.000 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh và 43.000 người bị thương tật. Đấy là chưa kể hàng nghìn người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ tàn sát, giết hại.