Một chữ “bạo”

Không thể có một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể yếu đuối và ngược lại- tôi đã nghĩ như thế khi đọc “Những lỗ vuông”.

 Một chữ “bạo”

Chữ trong “Những lỗ vuông”, thơ Ngô Thế Trường, NXB Hội Nhà văn tháng 8-2016, bao giờ cũng “gắt” và “chói”, “động”, “mạnh”. Đó là nhựa máu trong Cây biết khổ đau/ Tự lành vết thương bằng nhựa máu (“Cây biết lặng im”); thời gian sứt sẹo trong Màu gạch úa thời gian sứt sẹo (“Những lỗ vuông”); khô mặn trong Tiếng chim hót khô mặn (“Hoa cúc vàng trên cát”); nước mắt đen trong Nốt ruồi như nước mắt đen (“Thím”); bê tông lở loét trong Cầu tầu còn nguyên bóng thợ/Mấy hoa thị bê tông lở loét (“Những cầu tầu Tam Bạc”)…Và có vẻ như đầy đủ hơn, nặng đồng cân hơn là câu: Ưỡn mùa tung tẩy xanh (“Nhai lại cỏ”).

Rồi những chữ ấy đứng bên nhau, xâu chuỗi lại, kết hợp lại mà thành câu. Rồi câu hình thành ý, lập ý hoặc tải ý. Rồi ý được hệ thống, được hình thức hóa mà thành tứ. Một khi chữ đã “gắt”, “chói”, “động”, “mạnh” như thế, thì hệ quả tiếp theo cũng có thể là như thế trong câu, trong ý, trong tứ.

Không thể có một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể yếu đuối và ngược lại - tôi đã nghĩ như thế khi đọc “Những lỗ vuông”.

Đấy là “không gian lạ” - “không gian ma - người”: Trăng sáng Bạch Đằng Giang/ Thắp nén hương thương người dưới sóng/ Con cá nhỏ, bát cơm quả trứng/ Chài mời ma lên nhậu đón xuân (“Thắp hương người”).

Đấy là “không gian lạ” - “không gian yêu đương”: Chúng ta yêu cuồn cuộn bão từ/ Va chạm mở thiên hà sinh nở (“Va chạm”).

Đấy là không gian của sự không phân biệt (tâm không phân biệt) theo quan niệm và tinh thần nhà Phật: Trong bóng tối/Người cao và người thấp đều như nhau (“Màu đêm”); Thắp hương người không thắp hương ma (“Thắp hương người”). Và đi kèm với mấy câu thơ trên là lời giải thích bằng thơ, lúc đầu là một câu nghi vấn: Và bao nhiêu thời nữa/ Loài người pha được màu đích thực của đêm? Tiếp theo là một câu khẳng định: Thắp nén hương thương người dưới sóng. Rõ ràng, ở câu sau, Ngô Thế Trường coi ma cũng là người nhưng là “người dưới sóng”. Sự không phân biệt này hoặc cái tâm không phân biệt này ở Ngô Thế Trường còn tiếp biến ở “Tế ma trên sóng Bạch Đằng” khi thương cả ma, ở “Những con cóc vàng” khi thương cả những đôi tình cóc, ở “Đôi bạn tình ở Mỹ” mang thương hiệu Mỹ khi mà Chú chó Zeus đã sủa khản đặc tiếng tìm kiếm người giúp đỡ cô chó Athena bị mắc chân khi nhảy qua hàng rào sắt ở ngoại ô thành phố Fulton bang Georgia

Đó là không gian của những phát hiện. Nếu như nữ sĩ Bungari Blaga Đimitrôva nhìn người phụ nữ Việt Nam có bầu như đang mang một quả đất trong người, thì Ngô Thế Trường lại nhìn bào thai là Một đại dương bé nhỏ hơn cái thúng/ Dưỡng sinh chín tháng mười ngày (“Đại dương”). Không chỉ có thế, trong “Những hạt sương cánh đồng”, Ngô Thế Trường còn thấy Cánh đồng như người đàn bà nằm im hứng chịu. Trong “Trăng máu”, Ngô Thế Trường cho rằng: Sự đối bóng của người là che khuất lẫn nhau. Trong “Hạt quắc”, Ngô Thế Trường như thấy được tốc độ của tình yêu trong cảm giác của thời gian: Anh không thể gặp em ở phút giây trìu mến/ Bên anh đã là em của giây phút trước/ Em mãi là em của thời quá khứ/ Cảm được yêu thương hiện tại lướt qua rồi. Trong “Nợ một đêm trăng”, cái cảm giác “chia mà không xa” như là bi kịch của những cặp tình nhân được Ngô Thế Trường tái hiện thật khác lạ trong một hoàn cảnh cụ thể: Em nợ ta đêm trăng nữa nhé/ Trăng Lý Sơn méo mó chân đồi/ Anh đâu biết ngày mai xa đảo/ Em cũng lấy chồng xa Lý Sơn. Sát sàn sạt hơn, trong “Màu đêm”, Ngô Thế Trường còn thấy nguy cơ tàn phá tiềm ẩn trong những thói quen diễn ra hằng ngày trong thời buổi hiện nay: Thời chúng ta, phong bì gấp lại chứa một màu đêm/ Thành bộc phá không lường hết được.

Trong “Những lỗ vuông”, “Sống” như là “chỉ dấu” của nhân tính. Bài thơ được diễn giải như một câu chuyện kể. Một quán cà-phê đẫm máu, ngổn ngang người tử nạn vì mìn. Một người y tá phát hiện có một người bị thương cần được cấp cứu. Rồi mọi người ra trợ giúp người ấy. Chẳng ngờ người ấy chính là thủ phạm… Chất nhân tính được bộc lộ hết cỡ trong mấy câu kết: Chuyện đó rồi tính sau/ Tiếp tục…/ Người y tá đánh thức trái tim cho nó sống. Đây là tứ thơ thành công nhờ “thượng ý” chứ không “thượng từ”.

Theo tôi, thơ của Ngô Thế Trường là thứ thơ được sinh ra từ sự “bạo” chữ, “bạo” ý và “bạo” tứ. Thơ Ngô Thế Trường cũng có thể gói tròn trong một chữ “bạo”. Đó cũng là thuộc tính và phong cách thơ Ngô Thế Trường.

Đọc “Những lỗ vuông”, càng ngày, tôi càng chán những câu thơ bâng quơ, đèm đẹp, nhàn nhạt và vô vị, vô bổ.