Nhà văn Tống Phước Bảo:

Mỗi người viết sẽ khơi chảy một dòng văn riêng

Là tác giả của những trang viết giàu cảm xúc về vùng đất Tây Nam Bộ, Tống Phước Bảo đang nỗ lực tạo dựng một lối đi riêng trong văn chương Việt Nam hôm nay. Chia sẻ với chúng tôi, anh nhấn mạnh rằng, mỗi người viết cần biết cách chọn góc nhìn, chọn lát cắt và chọn cách hóa thân để câu chuyện mang dấu ấn cá nhân đậm nét đồng thời chạm tới cảm xúc sâu thẳm của nhiều người đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Tống Phước Bảo (thứ hai, từ trái sang), giải nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu, do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2020, giao lưu với bạn đọc trong buổi trao giải. Ảnh: NVCC
Nhà văn Tống Phước Bảo (thứ hai, từ trái sang), giải nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu, do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2020, giao lưu với bạn đọc trong buổi trao giải. Ảnh: NVCC

Ký ức đẫm đầy trang viết

- Anh tham gia sáng tác muộn, nhưng lại có duyên với các giải thưởng, có khi nào, anh tự hỏi vì sao?

- Kỳ thật trong lòng tôi vẫn nghĩ đó là cái duyên của nghề dẫn dắt mình đi, nói vui như các anh chị bạn bè văn chương là duyên thầm nở muộn.

Tôi trải lòng với trang viết như một cách làm giảm bớt áp lực cuộc sống. Vì vậy, tôi thường không dám chủ động đăng ký dự giải thưởng nào đó, mà phần lớn lại nhờ bạn văn rủ hoặc động viên, khích lệ tham gia. Điều này khiến tôi phải nỗ lực để có những tác phẩm chứa đựng những điều độc, lạ, mới, theo chủ đề cuộc thi. Chính trải nghiệm từ các cuộc thi giúp tôi thấy tư duy viết của mình rộng mở.

- Anh sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng được biết, hai quê nội ngoại của anh đều ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Anh hẳn có nhiều ký ức về nơi này?

- Đúng vậy. Tôi có quãng tuổi thơ được sống luân phiên ở hai quê nội An Giang và quê ngoại Đồng Tháp. Chính những ký ức ấy là chất liệu chủ đạo cho trang viết của tôi sau này. Tôi vẫn thấy mình của năm lên mười đứng bên hàng thốt nốt nhìn về đất bạn giữa một chiều hoàng hôn miền biên Bảy Núi. Dẫu bây giờ, tôi đã ở tuổi 40 nhưng quãng đời sống ở miền Tây vẫn là ký ức dậy sóng trong lòng tôi nhiều nhất.

Mỗi khi tôi viết, tự nhiên trong đầu lại hiện lên hình ảnh con sông phía sau nhà ngoại, cái sàn lãng mỗi chiều hay ngồi ăn cơm hóng gió, tiếng xuồng ghe đuôi tôm lạch bạch mỗi sáng. Hay như con đường tơ lụa ở Tân Châu cũng ám ảnh tôi trong các trang viết.

- Có lẽ, như anh từng nói, vùng phù sa chín nhánh sông Cửu Long vẫn mênh mang nhiều câu chuyện, dù thời gian và không gian có thay đổi thì bản tính của người dân nơi ấy vẫn không hề thay đổi…

- Tôi về miệt Cửu Long thường xuyên bởi hai bên nội ngoại vẫn ở đó. Ngày giỗ ông bà, đám cháu con vẫn tề tựu dù giờ, mỗi người bôn ba mỗi nơi. Chính những chuyến về như vậy khiến tôi thấy miền sông nước chín nhánh này vẫn còn đó nhiều câu chuyện mà dù cũ hay mới cũng vẫn y hệt cái nết người. Cái chất hào sảng rổn rảng vẫn như vậy, cái nếp sống xóm giềng cũng y chang, và cái chất kiêu bạt của người miền Tây cũng chẳng đổi dời. Tỷ như từ một nơi nào đó xa lạ, người ta ghé miền Tây, cũng được kéo vào nhà xởi lởi mời cơm nước, mà mời thiệt, ăn phải thiệt no, uống phải thiệt say, nói chuyện thiệt lòng và hơn hết vẫn là cái hồn hậu chân chất như phù sa xứ này. Chính điều đó làm tôi trải ra trang viết của mình những câu chuyện mà như tôi hay nói, chuyện gì chứ chuyện của miệt Cửu Long kể lòng vòng một hồi tới tối vẫn không hết chuyện.

Sống tử tế để viết ra những điều tử tế

- Các truyện ngắn của anh đều chứa đựng "kho" phương ngữ, các tên nhân vật cũng rất mộc mạc, anh có chủ ý gì không?

- Thiệt lòng là tôi không chủ ý ngay từ đầu, bởi tôi hay viết bằng bản năng và cảm xúc. Những phương ngữ đó tôi nghe từ thời ông bà, ba má, những người lớn trong gia đình nói từ ngày xưa cho đến giờ. Vì thế, chúng như sẵn có trong đầu, mỗi khi tôi bắt đầu viết, chúng lại chảy tràn ra ngòi bút, rất tự nhiên.

Nếu ai đó ghé miền Tây Nam Bộ, sẽ nghe mấy cái tên người ngồ ngộ, như thằng Tí, thằng Tèo, con Mén, con Mòng. Người đất này đặt tên con cái cứ chân phương, mộc mạc, hệt như kiểu "người ruộng đồng thì tâm hồn bông lúa". Trong đại gia đình tôi, vẫn có những cái tên rất ngộ như Lóc, Trèn, gọi theo tên mấy con cá. Hay như Thương, Hận, đặt kiểu cảm xúc.

- Nhưng trong tập truyện ngắn "Linh đinh tình phù sa" (Nhà xuất bản Thế Giới, năm 2023), những vùng quê yên bình của anh đã bị trầy xước, tổn thương vì thiên tai và đô thị hóa. Những đổi thay theo thời gian là không thể tránh khỏi và chắc chắn tác động nhiều đến suy nghĩ của anh?

- Có một đêm, tôi đi phà từ Châu Đốc qua Châu Phong. Nghe bà con kể chuyện rổn rảng về đám trẻ tha hương, về đất đai tăng giá và những cơn xâm thực mặn khiến cuộc sống thêm phần long đong, tôi nghĩ mình càng phải viết nhiều và sâu sắc hơn nữa cho cố thổ của mình. Biết đâu một mai, những thứ, những điều từng làm mình thương đất này dần tan biến. Mới đây, tôi về An Giang giao lưu cùng sinh viên, nghe một người bạn kể cả mùa hè vừa qua, anh đi tìm lại chín cửa sông đã làm nên Cửu Long Giang thời mở cõi nhưng bây giờ, chỉ còn bảy cửa. Đất bắt đầu khô cằn, sông bắt đầu cạn nước. Ngày càng nhiều người trẻ di cư về các thành phố, thực tế di dân này đặt ra biết bao câu hỏi về tương lai văn hóa miền Tây sông nước. 20, 50 năm nữa, ai sẽ là người giữ câu hò, giữ thói quen gói bánh tét… Ngay khi trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã bắt đầu một bản thảo dài hơi hơn. Tôi hy vọng đủ duyên để tác phẩm này đến tay bạn đọc.

Tôi thấy mình cần đọc, và cần đi. Đọc từ các anh chị, bạn bè, từ các em trẻ hơn tôi đang viết về vùng đất này. Đi nhiều hơn để chính trải nghiệm hiện thực sẽ cho chất liệu tốt nhất. Chỉ khi cộng dồn hai điều này lại, tôi mới tìm ra một câu chuyện khác hơn để viết nhưng những chất liệu sống động ấy cần phải được hiện hữu bằng giọng văn thuận theo cảm xúc của cá nhân, mới thành sáng tạo mang dấu ấn riêng của mình. Và dù là cùng một vùng đất Tây Nam Bộ, nhưng tôi tin mỗi người viết sẽ khơi chảy một dòng văn riêng.

- Anh còn dùng một phần nhuận bút từ bán sách để làm thiện nguyện, điều đó có tác động trở lại với công việc sáng tạo?

- Tôi thấy chuyện này khiến mình có động lực sáng tác. Tôi có một công việc thu nhập đủ để nuôi mình. Nên khi có nhuận bút từ việc viết, tôi chỉ muốn chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Của ít lòng nhiều, nhưng tôi tin giá trị con chữ của mình sẽ lan tỏa một tinh thần sống tử tế. Mà nếu mình sống tử tế thì mình mới viết ra những điều tử tế được. Văn cũng từ người mà ra.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tống Phước Bảo là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh bắt đầu viết nhiều từ năm 2017. Anh đã đạt nhiều giải thưởng văn chươngđáng chú ý, như Giải C-Trại sáng tác "Hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát nhân dân" của Bộ Công an, năm 2022; Giải B-giải thưởng "Cây bút vàng" của Bộ Công an, năm 2021; Tặng thưởng dành cho lĩnh vực văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 2020…