Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng:

Mối giao cảm với sự thật tạo nên bức ảnh giá trị

Từ tháng 10/1994, Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép chụp ảnh ông. Không biết bao lần được đến ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, theo chân Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình và Điện Biên, hay tham dự những buổi tiếp đón ngoại giao của Đại tướng, nhưng Trần Hồng vẫn luôn chứa đựng một niềm vui sướng và sự xúc động khôn tả ở từng cú bấm máy.
0:00 / 0:00
0:00
Mối giao cảm với sự thật tạo nên bức ảnh giá trị

"Hãy cố gắng theo đuổi đến tận cùng sự thật"

- Thưa ông, khoảnh khắc mang tính quyết định việc ông được phép chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã diễn ra như thế nào?

- Tôi có cơ hội được thấy Đại tướng lần đầu tiên, năm 1973, khi mới tốt nghiệp đại học và trở lại cơ quan làm việc, lúc đó ở sân bay Nội Bài, cách xa ông cả 10m và dùng máy ảnh cũ nên không được bức nào đáng kể…

Cũng là một dịp mùa thu như thế này, tháng 10/1994, tôi đến gặp Đại tá Nguyễn Huyên, vị trợ lý đặc biệt tuyệt vời của Đại tướng, trình bày nguyện vọng của mình là được chụp ảnh Đại tướng. Ông Nguyễn Huyên bảo tôi cứ tuần tự theo lịch đăng ký. Tôi hiểu là nếu như vậy, tôi không có cơ hội. Đúng lúc tôi đang bần thần chưa biết nói gì, thì Đại tướng đi ngang qua, thấy vậy liền dừng lại, hỏi ý định của tôi khi vào đây. Tôi bày tỏ là vào đây chỉ với mong muốn được chụp ảnh Đại tướng. Đại tướng nhìn tôi, và tôi nhìn lại ông, trực diện, theo thói quen. Tôi cảm giác lúc đó, cái nhìn của Đại tướng là để phát ra và thu lại những tín hiệu cảm nhận rất nhanh về sự chân thật của người đối diện và ông quyết định đồng ý. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời cầm máy ảnh của tôi. Đêm đó, tôi không ngủ được. 5 giờ rưỡi sáng hôm sau, tôi đã có mặt trước cổng ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, vô cùng hồi hộp và sung sướng với ngày làm việc đầu tiên của tôi bên Đại tướng.

- Ông có thể chia sẻ một vài con số thống kê cũng như những tiêu chí phân loại, chọn lọc cho bộ dữ liệu ảnh đặc biệt lớn về Đại tướng?

- Tôi giữ lại khoảng 2.000 tấm phim gốc. Tôi chọn khía cạnh ảnh chân dung và sinh hoạt đời thường của Đại tướng, diễn ra ở ba nơi quan trọng nhất trong cuộc đời ông, quê hương Quảng Bình, chiến trường xưa Điện Biên và ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.

Tôi quan tâm khai thác phẩm chất nhân văn, tình yêu người và tình thương người của Đại tướng, thể hiện qua những cử chỉ tình cảm, chu đáo của ông với các cựu chiến binh, với bà con ở quê nhà Quảng Bình và Điện Biên, qua những biểu hiện trên gương mặt rất đẹp của ông… Có thể ông không cười nhưng ánh mắt và những nếp nhăn lại nói với tôi về niềm vui của ông. Tôi nhớ lần được cùng ông lên Điện Biên, năm 2004: Gặp lại đồng bào ở đó, ông vui và nói chuyện với họ bằng tiếng Thái, nhưng ông vẫn không quên tôi. Ông quay về phía tôi bảo: "Trần Hồng ơi, hôm nay tớ bất lịch sự với cậu vì về đây, tớ nói tiếng Thái với đồng bào, cậu không hiểu được gì". Tôi cảm động run người trước sự quan tâm ấy của ông dành cho cá nhân mình.

- Tôi tin rằng, có nhiều tâm tình với Đại tướng mà ông nhớ mãi. Trong đó, điều gì về nhiếp ảnh mà nhắn nhủ của Đại tướng khiến ông thấy như là những bài học kinh nghiệm nghề nghiệp, bài học cuộc đời?

- Tôi vẫn thường mang theo ít nhất là hai máy ảnh để cùng lúc chụp phim đen trắng và phim mầu. Có lần, ông hỏi tôi vì sao vẫn chụp ảnh đen trắng. Tôi chia sẻ với ông là trong suy nghĩ của tôi, mỗi dạng ảnh có một đặc thù và giá trị riêng. Ảnh mầu là theo xu thế, đẹp, dễ bắt mắt nhưng đôi khi như đánh lừa thị giác người xem, còn ảnh đen trắng thì ngược lại, rõ ràng, minh bạch. Ông đồng ý và nói thêm: sự thật là sự thật, chỉ có một sự thật. Ông bảo tôi cố gắng chụp cái thật nhất và tiếp tục với ảnh đen trắng. Ông bảo, khi chụp một người, hay khi bắt gặp một sự việc, tôi hãy cố theo đuổi đến tận cùng để tìm ra được bản chất của con người, sự việc ấy. Có thứ, có người tưởng là quan trọng ghê gớm nhưng chưa chắc đã phải; có thứ tưởng giản đơn mà đằng sau đó là cả một sự vĩ đại.

Mối giao cảm với sự thật tạo nên bức ảnh giá trị ảnh 1

Giai điệu Hòa bình vang mãi muôn phương. Ảnh: Trần Hồng

Yên tâm với phần đóng góp nhỏ bé vào lịch sử đất nước

- Có khi nào ông băn khoăn, suy nghĩ về cái gọi là ranh giới giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí?

- Trong ảnh của tôi, không bao giờ có cái gọi là khoảng cách giữa tính báo chí hay tính nghệ thuật. Điều duy nhất tôi bận tâm là sự thật và sự thật ấy cộng hưởng sự thăng hoa cảm xúc đồng thời với trách nhiệm của người cầm máy.

Nếu chỉ có sự thật trần trụi thì bức ảnh lại là thứ vô hồn, không hấp dẫn, mà giữa sự thật và người chụp nó, phải có mối giao cảm cực lớn; nói cách khác, đó là sự thật qua lăng kính của người có tình cảm, biết thổi vào đó tâm hồn của anh ta. Như vậy, bức ảnh mới có giá trị.

- Hiện nay, ông bảo quản những tấm phim gốc chụp Đại tướng như thế nào?

- Năm 2022, vào dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của Đại tướng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) đã mời tôi chọn 111 tấm phim gốc chụp Đại tướng để đưa vào lưu trữ tại Trung tâm và chia sẻ cùng tôi quyền khai thác dữ liệu. Đây là niềm vui lớn đối với tôi trên mọi khía cạnh nghề nghiệp cũng như tình cảm trong cuộc đời. Nó khiến tôi hoàn toàn yên tâm và mãn nguyện về sự đóng góp nhỏ bé của mình vào dòng chảy lịch sử đất nước thông qua dữ liệu hình ảnh.

Tôi đang số hóa phần phim gốc còn lại, cũng được khoảng một nửa rồi.

- Triển lãm ảnh vừa qua về Đại tướng tại Hà Nội là triển lãm cá nhân lần thứ 14 của ông. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về dự định công việc tiếp theo liên quan đến kho dữ liệu ảnh về Đại tướng? Có điều gì mà ông từng muốn làm nhưng chưa thể hoàn thành?

- Bộ Quyền lực Nhân dân Venezuela mời tôi trưng bày triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thủ đô Caracas, vào tháng 3/2024, trong đó điểm nhấn là bộ ảnh chuyến thăm Đại tướng của cố Tổng thống Hugo Chavez, năm 2006, với bức ảnh giàu ý nghĩa lịch sử: ông Hugo Chavez quàng tay ôm vai Đại tướng và bà Đặng Bích Hà khi Đại tướng và phu nhân mời ông cùng bước sang thăm căn phòng riêng của Đại tướng. Thời điểm ấy, các tay máy đã thu dọn đồ nghề, ra về, riêng tôi vẫn ở lại như thói quen bấy lâu: đến sớm nhất và ra về muộn nhất mỗi khi chụp ảnh Đại tướng trong một sự kiện nào đó. Nội dung cuốn sách ảnh của tôi về Đại tướng cũng đang được chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha để phát hành tại Venezuela và các nước Mỹ latin.

Trong số những phóng viên được Đại tướng trực tiếp cho phép đi theo chụp ảnh, có tôi và một nhiếp ảnh gia người Mỹ, chị Catherine Karnow (nhân vật đã xuất hiện trong chuyên mục Trò chuyện cuối tuần số ra ngày 10/5/2015-PV). Chúng tôi đã gặp nhau trong lần theo đoàn đưa Đại tướng về quê hương Quảng Bình an nghỉ. Giữa chúng tôi có nhiều điểm tương đồng nếu xét về nguyên do được chụp Đại tướng. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội thực hiện một cuốn sách ảnh chung với chị ấy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ cách nhìn của hai phía Việt Nam và Mỹ.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Là một trong những học sinh trung học phổ thông ưu tú của tỉnh Hà Tĩnh được tuyển chọn để phục vụ quân đội, Trần Hồng thuộc quân số của Báo Quân đội nhân dân từ năm 1969. Bên cạnh những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông được công chúng trong nước biết đến là tác giả của nhiều bức ảnh nổi tiếng về các bà mẹ. Năm 2022, 81 phim/file gốc và ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của ông đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đưa vào hồ sơ lưu trữ.