Họa sĩ minh họa thực vật Phan Thị Thanh Nhã:

Mỗi cây lá, ngọn cỏ đều ẩn chứa vẻ đẹp xứ sở

Nghệ thuật minh họa thực vật tuy là mới mẻ ở Việt Nam nhưng cũng đã có những người trẻ say mê nghiên cứu và thực hành. Một trong số họ là Phan Thị Thanh Nhã, người có tên trong danh sách rút gọn của giải Margaret Flockton (Margaret Flockton Award) năm 2023, giải thưởng quốc tế duy nhất dành cho nghệ thuật minh họa thực vật. Thanh Nhã chia sẻ với chúng tôi nhiều suy nghĩ về sự liên đới chặt chẽ giữa thực vật với vẻ đẹp của đất nước và mong muốn có thể truyền tải được tất cả thông qua từng nét vẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm minh họa loài Neptunia oleracea Lour (người Việt gọi là cây rau nhút). Ảnh: NVCC
Tác phẩm minh họa loài Neptunia oleracea Lour (người Việt gọi là cây rau nhút). Ảnh: NVCC

Một bức vẽ thực vật học-kết quả của kiến thức đa ngành

- Cảm nghĩ của chị khi biết mình có tên trong danh sách rút gọn của giải Margaret Flockton (MFA) năm 2023 và chị cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự giải thưởng này?

- Tôi cảm kích khi biết đây là giải thưởng được đặt theo tên của bà Margaret Flockton (1861-1953), họa sĩ đầu tiên vẽ minh họa về thực vật của Vườn Bách thảo Hoàng gia (The Royal Botanic Garden) thuộc sở hữu của chính quyền bang New South Wales, đặt tại thành phố Sydney, Australia.

Nhớ lại, cuối năm 2022, tôi được mời tham gia triển lãm Flora of Southeast Asia (Hệ thực vật của Đông Nam Á) diễn ra ở Botanical Art Gallery, Singapore. Tại đó, chị Sriwardani, thành viên Hiệp hội Họa sĩ Thực vật họa Indonesia (IDSBA) đã khuyên tôi tham gia MFA. Nhiều thầy, cô giảng dạy về sinh vật học trong nước cũng khuyên tôi như vậy…

Tôi quyết định chọn cà na và bứa Phương Mai - loài mới do Tiến sĩ Đặng Lê Anh Tuấn tìm thấy ở bán đảo Phương Mai (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), để nghiên cứu và vẽ riêng gửi dự giải MFA. Thành quả ban đầu mà tôi đạt được đều nhờ có sự chỉ dạy của nhiều thầy, cô hướng dẫn ở trong và ngoài nước.

- Trong một thời đại mà ảnh chụp ngày càng sắc nét nhờ sự phát triển của công nghệ, người ta lại thường dễ bỏ qua giá trị những bản vẽ bằng tay. Theo chị, những bản vẽ minh họa khoa học cho thực vật có ưu điểm nào mà nhiếp ảnh không thể đạt tới?

- Khi chụp hình, chúng ta dùng hình ảnh của một vài cá thể để làm đại diện cho loài. Trong khi đó, bản vẽ minh họa khoa học cho thực vật là kết quả tổng hòa của kiến thức và kỹ năng của cả họa sĩ và nhà thực vật học sau quá trình làm việc, tổng hợp tài liệu (ảnh chụp, bài báo, thực vật chí...). Do đó, bản vẽ minh họa khoa học cho thực vật kết hợp với văn bản mô tả sẽ tạo nên "bản mô tả" của cả một loài.

- Vậy yếu tố khoa học chắc hẳn cũng phải cân bằng với sự sáng tạo. Cái khung "khoa học", theo chị, có bao giờ cản trở sự tưởng tượng và sáng tạo của nghệ sĩ trong bộ môn này?

- Như đã nói trên, một tác phẩm thực vật họa hay minh họa khoa học cho thực vật là kết quả tổng hòa giữa kiến thức cùng kỹ năng của cả họa sĩ và nhà thực vật học. Và thông qua mỗi lần vẽ thực vật, họa sĩ sẽ lại có thêm rất nhiều kiến thức đa ngành, không chỉ về khoa học mà còn cả về văn hóa, tôn giáo... của đất nước có loài cây mà người đó muốn vẽ hoặc muốn bày triển lãm.

Bước đầu tiên trong quy trình vẽ thực vật họa của tôi luôn là "định danh". Trong quá trình này, tôi kết hợp làm việc với các chuyên gia thực vật hàng đầu của từng họ, nhóm thực vật mà tôi muốn vẽ. Từ đó, tôi học thêm nhiều điều mới, các cách phân tích, góc nhìn khác... để rồi tổng hợp và gửi gắm vào từng đường nét, chi tiết trong bản vẽ của mình.

- Chị cũng là một trong ba họa sĩ được nhà tổ chức chọn mời tham dự chuỗi "mở xưởng" Art Trail#1 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 9 vừa qua. Chị đã lựa chọn vẽ gì ở đó?

- Ngay khi đến xưởng, ở bên trong một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tôi nhận thấy chung quanh tôi toàn "mầu xanh": nơi gốc tường của các khu nhà hay từng kẽ gạch, thân cây, mặt đất... đều có dương xỉ, địa y và những thảm rêu. Tôi lập tức quyết định sẽ vẽ những nhóm thực vật đặc biệt này. Chúng không thích ánh sáng mạnh nên tôi thường dậy sớm từ 5 giờ sáng để làm khảo sát, mà rêu lại còn dễ gây trơn trượt nữa chứ. Nhưng thời gian ở xưởng thật sự là trải nghiệm rất tuyệt vời với thiên nhiên, với từng chấm xanh cây cỏ.

Tìm về nguồn cội

- Phải chăng, những bản vẽ minh họa khoa học cho thực vật còn thể hiện phần nào đó tính chất bản địa, và mở rộng hơn, cũng truyền tải được khía cạnh địa lý, văn hóa của vùng đất đó?

- Trên Trái đất này, thực vật thích nghi và biến đổi thế giới "vô sinh" thành "hữu sinh", ấp ủ, nuôi nấng mọi loài. Từ ẩm thực, vật dụng hằng ngày, chăm sóc sức khỏe cho đến đời sống văn hóa tinh thần của con người ở mỗi vùng đất… đều được xây dựng, phát triển dựa trên hệ thực vật của chính vùng đất đó. Thí dụ như với chủ đề "Thực vật đồng bằng sông Cửu Long", tôi sẽ vẽ sen, súng, rau dừa... chứ không thể vẽ thông, pơ-mu…

Tôi luôn muốn giới thiệu hệ thực vật, nơi ẩn chứa hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế mỗi khi có cơ hội tham dự triển lãm thực vật họa hay các hội thảo về thực vật.

Khi được tự chọn đối tượng vẽ, tôi luôn ưu tiên những loài cây có ở các vùng đất trên quê hương Việt Nam mình... Như vừa rồi tôi có chia sẻ là để tham gia MFA, tôi chọn hai loài thực vật mới được tìm thấy ở bán đảo Phương Mai, tỉnh Bình Định, vừa thể hiện được đóng góp khoa học mới cho thế giới của người Việt Nam vừa cho thấy sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp của tự nhiên ở quê hương mình. Bên cạnh đó, tôi cần tự mình "quan sát" đối tượng vẽ, sinh cảnh, nhìn cách con người đối đãi với tự nhiên... để được học thêm về "Thực vật dân tộc học".

- Hiện giờ, số lượng người theo nghệ thuật minh họa thực vật ở nước ta còn khá ít ỏi. Theo chị, cơ hội cũng như thách thức cho nghệ thuật này ở Việt Nam có thể là những gì?

- Ở Việt Nam, tôi được biết là họa sĩ thực vật họa ở mỗi tỉnh, thành phố đều có nhưng mọi người "thiếu" cơ hội gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển vừa giúp con người gần nhau, nhưng cũng lại khiến con người dễ xa nhau.

Khi tận mắt "thấy", tận tai "nghe" và tự trái tim "cảm nhận" sự gắn kết giữa người với người trong nhiều triển lãm thực vật họa ở các nước bạn, tôi đã có một mong muốn rằng Việt Nam mình cũng sớm có một Hiệp hội Thực vật họa - ngôi nhà chung của những người thực hành vẽ về thực vật như tôi; nơi chúng tôi cùng trò chuyện về cây cỏ, cùng vẽ, cùng đi tham dự triển lãm ở nước ngoài để giới thiệu thêm đến thế giới vẻ đẹp của thiên nhiên ở nước mình.

Tôi tin, dù thách thức có lớn đến đâu, nhưng nếu có đồng đội cùng đi, cùng góp sức, chung vai và tôn trọng lẫn nhau thì chúng ta đều vượt qua được.

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mỗi cây lá, ngọn cỏ đều ẩn chứa vẻ đẹp xứ sở ảnh 1

Phan Thị Thanh Nhã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Sinh thái học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Xuất phát điểm là nhà thực vật học, chị đã có một thời gian dài vẽ minh họa khoa học cho thực vật trước khi bước vào cộng đồng thực vật họa từ năm 2021.