“Mớ bòng bong” khó gỡ

Hội nghị cấp cao bất thường Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cuối tuần qua cho thấy giới lãnh đạo khối vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay, cũng như những khó khăn mới phát sinh. Những quyết định chủ chốt mang tính đồng thuận cao chưa được đưa ra tại hội nghị phản ánh ngày càng rõ nét sự lúng túng của 27 nước thành viên đối với chương trình nghị sự của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJA
Biếm họa: OSAMA HAJJA

Hội nghị cấp cao bất thường của EU diễn ra từ ngày 9 đến 10/2 tại Thủ đô Brussels của Bỉ, với trọng tâm thảo luận những chủ đề “nóng” như làn sóng người di cư, cuộc xung đột tại Ukraine hay ứng phó với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa các thành viên của khối chính là rào cản lớn nhất khiến EU khó đạt được những cam kết và hành động thực chất.

Điều bất ngờ của hội nghị lần này là sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một lần nữa, sự hiện diện của ông Zelensky được chào đón bằng những lời cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính và quân sự cho Ukraine; tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác; sát cánh với Kiev nhằm tái thiết Ukraine sau xung đột.

Dù vậy, so kết quả của Hội nghị cấp cao EU-Ukraine tại Kiev một tuần trước, ông Zelensky vẫn chỉ nhận về sự thất vọng. Mặc dù thể hiện sự đoàn kết, thống nhất song dường như giới lãnh đạo EU vẫn không có chuyển động trong việc đẩy nhanh tiến trình xem xét đơn xin gia nhập “ngôi nhà chung” của Ukraine. Bất chấp mong mỏi của Kiev, EU vẫn ở trong thế tiến thoái lưỡng nan do một số thành viên của khối vẫn chưa chấp nhận Ukraine làm thành viên, bởi điều đó khác nào gánh thêm vất vả trong khi “lục địa già” vẫn đang chật vật đối phó nhiều thách thức nội khối.

Trong khi đó, một vấn đề gây đau đầu khác khiến EU chưa tìm được sự đồng thuận chung chính là cuộc khủng hoảng người di cư đang ngày càng phức tạp. Trong năm 2022, tranh cãi nổi lên ở EU khi có tới hơn 330.000 lượt người vượt biên trái phép vào châu Âu, tăng 64%, cao hơn so thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2015 và 2016. Trong khi đó, số đơn xin tị nạn cũng tăng 46%, lên gần 924.000 người.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo trước thềm hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã viết: “Di cư đang là một thách thức lớn của châu Âu và cần phải có phản ứng kịp thời”. Thế nhưng, giữa lúc cần đạt sự thống nhất để đối phó làn sóng di cư, tị nạn đang có chiều hướng tăng mạnh, vấn đề tiếp tục gây tranh cãi vẫn chủ yếu xoay quanh hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Các quốc gia Trung và Đông Âu như Hungary, CH Czech, Romania hay Slovakia phản đối hạn ngạch bắt buộc do EC áp đặt. Các nước này cho rằng việc áp đặt hạn ngạch lên các quốc gia thành viên có chủ quyền là phi lý và không thể chấp nhận được. Ngoài ra, các quốc gia Trung và Đông Âu là những nước nghèo ở châu Âu nên việc buộc họ tiếp nhận người di cư, dù ít hơn các nước giàu, vẫn gây áp lực lên nền kinh tế, chưa kể những lo ngại về nguy cơ mất an ninh đến từ người nhập cư vẫn luôn tiềm ẩn.

Một vấn đề hiếm hoi đạt được sự nhất trí của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị bất thường lần này là việc ứng phó với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và phương cách duy trì sức mạnh kinh tế của thị trường chung châu Âu trong bối cảnh mới. Cuối năm ngoái, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố, khối này cần giải quyết những quan ngại liên quan IRA với tổng ngân sách 430 tỷ USD và “EU phải có hành động để tái cân bằng sân chơi”.

Được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8, IRA được thiết kế nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon. Đạo luật này bao gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ, hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ, trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường. Do đó, IRA đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ở châu Âu bởi EU lo ngại đạo luật này sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là các công ty sản xuất ô-tô điện.

Những vấn đề đặt ra ở hội nghị cấp cao EU lần này xem ra vẫn chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Hơn lúc nào hết, “lục địa già” cần tìm được tiếng nói chung để tháo gỡ “mớ bòng bong” hiện nay.