Mẹ Tổ quốc và con

NDO - Đã 66 năm ngày thương binh liệt sĩ. Tháng bảy này, tôi không chỉ nhớ những người lính bỏ một phần máu xương và hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc, mà nghĩ nhiều về bao người mẹ Việt Nam vĩ đại, khổ đau. 

Rất nhiều lần tôi hát thầm Giai điệu Tổ quốc, ca khúc nhạc sĩ Trần Tiến viết năm 1980, năm tôi được sinh ra. Tác phẩm có ba lời, đều bắt đầu, lặp và cao trào bằng tình yêu nước sâu đằm, da diết: “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi / Dịu dàng trong tiếng ru hời / Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi / Trầm sâu trong tiếng đất trời / Tôi nghe trong lời yêu nhau / Tôi nghe trong lời tha thiết / Phút hành quân, mẹ tiễn đưa con / Giai điệu nhớ, giai điệu thương theo suốt con đường”. Giai điệu Tổ quốc, có lời ru, nỗi vui buồn, tiếng chiêng trong mơ ước thanh bình.

“Tôi nghe trong lời bão tố, bốn nghìn năm đất nước gian nan”. Đất nước tôi suốt dọc dài chưa khi nào được ngơi nghỉ. “Sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa”, dáng mẹ gày thắt lưng buộc bụng như đất Việt thắt eo miền Trung.

Mẹ thành đề tài bất tận của mỗi loại hình nghệ thuật, bởi mẹ sinh ra con người. Thiên chức thiêng liêng cho người mẹ chức năng mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, cùng cha nuôi dạy con. Con ở trong lòng mẹ chín tháng hoài thai, con được mẹ bế bồng khi bé bỏng. Tiếng gọi đầu tiên là gọi mẹ. Bởi thế, người ta dùng từ “tiếng mẹ đẻ”, chỉ tiếng nói gốc của mỗi người.

Thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ XX, Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài, tầm mức chấn động địa cầu. Thật đau đớn khi cảm ơn những người mẹ sinh nhiều con, nhờ có các Mẹ mà Việt Nam đủ lực lượng cho cuộc chiến kéo dài mấy mươi năm. Chiến tranh lấy đi triệu con của chục vạn Mẹ. Quá nhiều người mẹ có con hy sinh. Vì có hàng triệu người lính ngã xuống, đất nước sau chiến tranh còn nghèo, nên sau 19 năm thống nhất mới có Pháp lệnh phong Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ 1994, Quốc hội ra pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, mà vẫn chưa chăm lo, đền đáp chu toàn được cho tất cả.

Hồ sơ xét danh hiệu căn cứ vào mức độ mất mát của Mẹ. Ôi! Mẹ đâu muốn mất đứa con trai duy nhất, hay mất hết các con, mất cả chồng và con để được công nhận anh hùng, nhận chính sách cho mẹ LS và sự tôn vinh sức chịu đựng, hy sinh của Mẹ.

Bây giờ, 19 năm sau ngày thực thi Pháp lệnh, Việt Nam chỉ còn 2.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, chính sách có sửa đổi, số Mẹ được phong sẽ tăng thêm. Hòa bình 38 năm, con của các mẹ đã hy sinh 38, 40, hơn 40 hoặc 50 năm. Bằng ấy năm Mẹ khóc, nhớ, khổ đau, Mẹ đâu ngóng vinh danh, Mẹ chẳng chờ được đến ngày phong tặng.

Tôi vô cùng khâm phục, kính trọng ý tưởng và tấm lòng của họa sĩ Đặng Ái Việt. Tuổi ngoài 60, một mình xe máy Chaly, bà từ TP Hồ Chí Minh xuyên Việt, bất kể nắng mưa khỏe ốm, ròng rã ký họa gần ba năm ròng rã, đi hơn 3,5 vạn km suốt 62 tỉnh thành cả nước, vẽ gần 900 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà xứng đáng được gọi Anh hùng Lao động, như người chồng NSND Phạm Khắc, nhà quay phim chiến trường thời chống Mỹ. Dù cật lực phi thường, HS Đặng Ái Việt cũng chỉ ký họa được hơn 1/3 chân dung các Mẹ.

Ai sẽ làm cùng, làm tiếp, làm kịp thời gian ít ỏi của các Mẹ sống trên đời, dẫu chỉ gặp, chụp ảnh (cho nhanh)? Không ai nghĩ ra, quyết tâm làm hay những bận rộn, tham vọng, ích kỷ của cuộc sống đương thời đã khiến sự lãng quên, vô cảm, vô ơn có chỗ được dung thứ? Nếu mỗi tỉnh, thành triển lãm tranh, ảnh về các mẹ dịp tháng Bảy; nếu mỗi người dân ở từng địa phương có mẹ liệt sĩ, quanh năm cùng nhau chăm lo, giúp đỡ, an ủi, thì các Mẹ sẽ bớt cô quạnh, tủi thân.

Việc khắc phục hậu quả vật chất sau chiến tranh cơ bản được giải quyết; song bi kịch chiến tranh, không thể hóa giải. Không ai, không gì thay thế con đã mất của các mẹ. Mất con, đau lòng ruột xé; đau tột cùng đến chết không thanh thản, khi hài cốt con thất lạc hoặc chưa trở về, một người con hy sinh chưa tìm được về bên Mẹ, là Mẹ mất con đến hai lần. Tàn khốc của chiến tranh đảo lộn quy luật đời thường: “Trẻ cậy cha, già cậy con” và “Lá rụng về cội”. Hy sinh lúc thanh xuân, những người lính dâng đời cho Tổ quốc. Lá bứt cành khi đang độ xanh tươi nhất.

Nhạc sĩ, thiếu tướng An Thuyên, một người lính, đã sáng tác bài ca “Mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994 đúng năm phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 1. Ông nói hộ cho các đồng đội, những người không được sống thời bình; và cho những người biết kính yêu các Mẹ: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao. Vì đất nước, hy sinh cả cuộc đời. Mẹ đã có ngàn đứa con. Mẹ đã có cả nước non”.

Đất nước sinh ra những chàng trai và đón họ vào lòng. Dù chưa được trở về quê, thì linh hồn các liệt sĩ người ấy và thân nhân xin hãy nhớ rằng: đất nước là quê hương lớn của mọi người con yêu nước Việt. Từng tấc đất thấm máu xương lớp lớp thế hệ gìn giữ, điệp ngân muôn lời gọi mẹ, dù âm dương cách trở, hay mẹ đã tìm thấy con nơi thế giới linh hồn, thì Tổ quốc vẫn và sẽ chở che tất cả. Tình Mẹ yêu con bao la, Tổ quốc hợp dung bao lòng mẹ. Bởi thế, tiếng mẹ, tình mẹ hóa thành tình yêu bất tử truyền đời. Mẹ thân yêu ấy cũng là mẹ vĩ đại, Mẹ Tổ quốc của chúng con, khi xem những phim tài liệu về các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi hiếm khi ngăn được nước mắt. Những người Mẹ cao cả hiện ra: bé nhỏ, lưng còng, tay gày guộc lau tấm bằng liệt sĩ, mắt mờ vẫn ngóng ra ngoài ngõ. Các Mẹ hay nhớ “thằng bé nhà mình”, mẹ ấm lòng khi đồng đội cũ của con đến thăm, thấy mọi người quan tâm, xưng hô tự nhiên “con với Mẹ”. Nhìn những bà cụ héo mòn thương nhớ ấy, tôi nhớ bà nội tôi đã khóc, lo lắng nhiều đêm, khi chú tôi chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1979. Tôi mong cùng các thanh niên thế hệ mình, làm được việc gì thiết thực, có ý nghĩa cho những người lính và các Mẹ Việt Nam Anh hùng - là những người bà của chúng tôi.

Hình ảnh các đôi uyên ương cưới nhau, ra nghĩa trang liệt sĩ chụp ảnh, khiến tôi rất ấn tượng. 38 năm qua hay nhiều hơn, ai hưởng cuộc sống hôm nay không được phép thờ ơ, thản nhiên với những người lính đã nằm xuống, những người lính đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo, trên biên cương. Khi viết về Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ Tổ quốc của chúng ta, tôi lại nhớ tới nữ thi sĩ Nga Olga Berggoltz (1910 - 1975), người đã viết những bài thơ hay về tình mẹ con, về Tổ quốc viết cho những người mẹ và những người lính, góp phần giữ vững niềm tin, khí thế cho mọi người. Với Tổ quốc (tháng 6/1941) ra đời, khi Xô Viết sắp bước vào chiến tranh chống Đức và Olga trải qua đoạn đời cay đắng mất con: “Không, Tổ quốc ơi, dù ký ức đau thương chưa bao giờ dịu vợi, dù đã chết đi hay oan trái tù đày / Theo tiếng gọi của Người, tôi vẫn đội mồ đứng dậy / Không chỉ mình tôi, ai cũng dậy mà đi / Tôi yêu Người không tính toán điều chi”.

Mẹ hãy lành vết đau nếu con mãi mãi không về. Mẹ Suốt Quảng Bình, Mẹ Thứ Quảng Nam, đã được tạc tượng. Những người mẹ anh hùng tạc vào Tổ quốc, dáng Việt Nam.

Mẹ Tổ quốc, bức tượng đồng nổi tiếng của Nga và thế giới, mang chứa tinh thần, dáng hình của những người mẹ anh hùng trên mặt đất này, thuộc quần thể tưởng niệm 26 ha ở nghĩa trang Piskariov, ngoại ô phía Bắc Leningrad (nay là Saint Pétersburg), nơi an nghỉ nhiều người dân, Hồng quân nằm xuống thời kỳ bị Đức phong tỏa.

Trên bức tường đá (khánh thành năm 1960), phía sau tượng Mẹ Tổ quốc, khắc bài thơ của Olga Berggoltz viết năm 1956, năm bắt đầu xây dựng khu tưởng niệm này, trong đó có câu bất hủ: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”.

Làm sao có thể sống hạnh phúc khi vô ơn và lãng quên những điều quý giá? Mẹ Tổ quốc yêu thương, xin hãy lượng thứ những đứa con chưa tròn đạo hiếu. Xin hãy nhận tràng hoa nước mắt tự hào và biết ơn vì có Mẹ, để chúng con nhận ra mình cần sống đẹp, đàng hoàng hơn, tử tế hơn và xứng đáng hơn.

Lịch sử kiêu hãnh, bi tráng của dân tộc Việt Nam hợp bởi lịch sử của những con người. Đại giao hưởng hùng thiêng của núi sông này, ngân dài lời ru Mẹ.

* Thật đau đớn khi cảm ơn những người mẹ sinh nhiều con, nhờ có các Mẹ mà Việt Nam đủ lực lượng cho cuộc chiến kéo dài mấy mươi năm. Chiến tranh lấy đi triệu con của chục vạn Mẹ. Quá nhiều người mẹ có con hy sinh.