Tại đây vẫn còn y chang nhiều biệt thự hai lầu xinh xắn và ngôi nhà sáu tầng giáp với đường Trần Quốc Thảo. Sở dĩ gọi là T78 vì sau ngày Sài Gòn giải phóng, ta tiếp quản khu biệt thự này làm nhà khách, có cổng vào ở số 78 đường Trần Quốc Thảo. Qua mưa nắng thời gian vẫn nguyên vẹn hình hài. Khách ở các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như nhiều tỉnh, thành khi tổ chức hội nghị ở Sài Gòn đều muốn chọn nơi đây vì gần sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời cũng gần các di tích lịch sử, cách mạng cần tham quan, như dinh Độc Lập, cảng Sài Gòn (có bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911); nhà máy đóng tàu Ba Son - cơ sở hoạt động cách mạng đầu tiên của nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; rồi chợ Bến Thành tấp nập với đủ các mặt hàng và cây trái các loại đặc sản ở Nam Bộ... Mặt khác, đây còn là không gian thoáng rộng, tĩnh mịch, rất hợp với các hội nghị, hội thảo, nhất là với những ai yêu thể dục, thể thao…
Với tôi, từ lúc làm phóng viên thường trú Báo Nhân Dân ở Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp sau ở Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, T78 trở thành “địa chỉ đỏ” vì tôi hay được mời dự họp, có hội trường xinh xắn đủ chỗ cho 300 đại biểu; các cuộc hội thảo, tọa đàm, họp báo… đều diễn ra tại đây. Cuối năm 2023 này, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị của Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, tôi lại có dịp tham dự và ăn, nghỉ tại đây. Sau vài năm xa cách, tôi thấy khung cảnh vẫn như xưa, có chăng là thêm dãy nhà cao tầng bề thế đang hoàn thiện, nằm sát đường Lý Chính Thắng. Sáng dậy đi tập thể dục, tôi bồi hồi nhớ lại ngôi biệt thự ở phía trái nhà sáu tầng, nằm chếch với hội trường, mà anh Lê Khả Phiêu, thời gian làm Tổng Bí thư cũng như khi về hưu, mỗi lần vào họp ở đây thường ở. Phía bên phải cũng là nơi thường ăn, nghỉ khi vào họp của một số lãnh đạo, như anh Trương Vĩnh Trọng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; và đối diện là nhà anh Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư... Tôi nhớ kỹ vì không ít lần hội nghị, tôi thường đến thăm và báo cáo tình hình tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật…
Trong đời làm báo của mình, tôi không quên những ý tưởng về các bài chính luận, xã luận được hình thành từ đây. Vào cuối năm 1998, khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ ở T78, tôi đăng ký xin được gặp để báo cáo việc tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) trên báo Đảng. Thời điểm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII họp hội nghị bàn chuyên đề công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã tiến hành được 12 năm. Bên cạnh những thành tựu đáng mừng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là tệ tham nhũng, quan liêu có đà phát triển trong cơ chế thị trường. Vấn đề ấy được Trung ương rất quan tâm nên kiến nghị Bộ Chính trị cần có hội nghị riêng bàn chuyên đề chung quanh những biểu hiện suy thoái ấy.
Thế là “ý Đảng gặp lòng Dân”, Trung ương họp Hội nghị 6 (lần 2), phân tích sâu sắc thực trạng này và thông qua nhiều giải pháp trọng tâm, cấp bách. Một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành rộng khắp ở từng cơ quan, từng đơn vị, địa phương với phương châm nghiêm túc, nhìn rõ bản chất các biểu hiện cụ thể ấy ở từng cán bộ, đảng viên với tinh thần đề cao tự phê bình và phê bình; trên cơ sở đó đề ra phương hướng khắc phục cho từng cá nhân, đơn vị. Một buổi tối ở T78, tôi đến thăm anh Năm Phiêu và báo cáo dự định mở chuyên mục “Nhân dân góp ý xây dựng Đảng”. Sau khi nghe kỹ mục đích, ý nghĩa, phương thức thể hiện, anh Năm ôn tồn nói: “Nhìn chung cách đặt vấn đề là ổn, cần triển khai sớm, cậu là Tổng biên tập, cần trực tiếp chỉ đạo việc này”. Theo định hướng đó, chuyên mục được thực hiện ngay tuần sau và duy trì đều đặn, có tác dụng góp sức thiết thực triển khai một Nghị quyết, mà cho đến nay có một số nhận định về sự suy thoái của cán bộ, đảng viên vẫn giữ nguyên giá trị thời sự.
Sau này, khi anh Năm Phiêu về hưu, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, do có mấy cuộc hội thảo khoa học của Hội đồng tổ chức ở T78, tôi đến nhà riêng mời anh dự. Hội đồng rất cảm động vì lần nào hội thảo ở đây, anh Năm Phiêu đều nhận lời vào dự và có bài tham luận gửi trước. Rồi anh Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị nhận lời mời của Hội đồng cũng bay vào T78 dự Hội thảo khoa học: “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam”. Anh cũng có bài tham luận gửi trước. Hội đồng không bao giờ quên sự quan tâm của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là anh Nguyễn Văn Đua, lúc ấy là Phó Bí thư Thường trực, mỗi lần tổ chức hội thảo ở T78, anh đều có những quyết định hỗ trợ về điều kiện vật chất, tinh thần cho Hội thảo, đặc biệt có hội thảo, anh dự từ đầu đến cuối, tham gia bàn góp và nêu kiến nghị, đề xuất rất thiết thực...
Một góc khuôn viên Nhà khách T78. |
Tôi vẫn nhớ, thời gian làm nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, không ít hội nghị, hội thảo của Ban đã diễn ra ở T78 và đều được Thành ủy hỗ trợ. Có một chi tiết đáng nhớ là, vào khoảng thời gian dăm sáu năm trong thập niên đầu của thế kỷ 21, Cơ quan thường trực của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh đang xây trụ sở mới ở 79 Nguyễn Đình Chiểu, thì T78 cũng dành khu nhà cho anh chị em làm việc. Thời ấy, Báo Nhân Dân cũng ở cạnh, khi chờ xây nhà cao tầng ở 40 Phạm Ngọc Thạch. Và cũng tại T78, một số phòng công vụ phục vụ các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chuyên viên được điều động từ địa phương về…
Sớm cuối năm 2023, vào dự hội nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong khi tập thể dục, tôi đi vòng về phía tay trái của khu nhà sáu tầng, lòng bồi hồi ngắm nhìn dãy nhà “chuồng chim”, nơi có phòng ở của gia đình anh Đào Văn Lừng (trước khi về hưu, anh là Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực của Ban Tuyên giáo Trung ương). Ngôi nhà cũ kỹ này vẫn hiện diện, nay là chỗ tạm nghỉ của tổ lái xe và một phần là nhà kho. Thời anh Lừng ở đó, khi vào T78 họp, tôi đều ghé thăm gia đình anh. Nay Cơ quan thường trực của Ban (gọi tắt là T79) đóng tại ngôi nhà cao tầng bề thế ở 79 đường Nguyễn Đình Chiểu, có đủ phòng và tiện nghi làm việc cho cán bộ, nhân viên; một hội trường với gần 200 chỗ, đủ bảo đảm cho các hội nghị của Ban ở khu vực phía nam. Nhưng các đại biểu về dự họp vẫn đều về ăn, nghỉ tại Nhà khách T78.
Vậy đó, cái tên “T78” thân thương đến nay vẫn hằn sâu trong ký ức tôi (và chắc chắn nhiều người nữa) với những kỷ niệm đẹp khó phai!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày cuối năm 2023